Của lễ trăm năm

  CỦA LỄ TRĂM NĂM

Dã Hạc

 

 

Tin Lành đến Việt Nam đúng một trăm năm. Vừa tròn một thế kỷ. Trong một thế kỷ nhiều đổi thay nầy, trong một trăm năm đầy biến động nầy, người Tin Lành và những giá trị Tin Lành đã bám rễ và phát triển như thế nào trong lòng xã hội và văn hóa Việt Nam ?

 

Trước nhất, giữa cộng đồng người dân Việt Nam, người Tin Lành là ai và đạo Tin Lành có những nét đặc thù nào trong mạch sống chung của người dân Việt ?

 

Cộng đồng người dân Việt Nam gồm những người cư ngụ trên dãy hình chữ S ven bờ biển lớn Thái Bình. Suốt thời kỳ hình thành và phát triển (trải hơn 40 thế kỷ), mạch sống của người dân Lạc Việt về kinh tế, là kinh tế nông nghiệp, về chính trị, là một nền chính trị dựa trên mối quan hệ bền vững của bốn giai cấp sĩ nông công thương đặt trên sự kiểm soát tuyệt đối của giới trí thức cho đến khi người Pháp đặt nền thống trị tại Việt Nam (1) và sau đó là một nền chính trị “đâm rễ long mạch” bằng tinh thần yêu nước, vẫn do giới tri thức lãnh đạo, khơi nguồn, tiến dẫn đến sự thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, đặt nền móng cho tổ chức xã hội Xã hội Chủ nghĩa đến ngày nay. Về văn hóa và văn minh, cộng đồng người dân Việt chia sẻ cùng nhau và cùng các cộng đồng cư dân Đông Nam Á khác những nét đặc thù của nền văn minh lúa nước: quan hệ xã hội dựa trên giềng mối lao động nông nghiệp với sự hình thành làng nước cùng chung một mối quan tâm về thời tiết, về sản xuất. Về đời sống tinh thần, người dân Việt khám phá và chiêm ngưỡng thiên nhiên cùng suy nghiệm về mệnh trời trên sinh mệnh của dân tộc, mà cao điểm là bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt:

Nam quốc sơn hà nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”

 

Về tôn giáo, cộng đồng người dân Việt Nam chịu tác dụng hỗ tương của ba tôn giáo chính: Phật giáo, Khổng giáo, Đạo giáo còn gọi là Lão giáo trong suốt 18 thế kỷ. Tình hình tôn giáo của cộng đồng người dân Việt càng linh hoạt hơn với sự tiếp nhận Công giáo La Mã vào thế kỷ XVI. Đến thế kỷ XX, có hai đoàn thể tôn giáo mới đi kèm theo tổ chức chính trị và lực lượng vũ trang là Cao Đài và Hòa Hảo.

 


(1)   Mục sư Lê Hoàng Phu, Ph.D, “Lịch sử Hội thánh Tin Lành Việt Nam 1911-1965”, chương trình Thần học Phúc âm TEE 1996, trang 49

Trong bối cảnh tôn giáo đó, mạch sống riêng chảy trong tâm tư và  nếp sống người dân Việt là sự thờ cúng tổ tiên với vai trò quan trọng của người quá cố trong đời sống tinh thần của người dân Việt.

 

Đầu thế kỷ XX, năm 1911, đạo Tin Lành đặt những bước chân nhẹ nhàng, hiền lành nhưng đầy kiên quyết trong sức mạnh của đức tin (2) để bước vào xã hội và lòng người Việt Nam, hình thành một cộng đồng lương thiện, tin kính, đạo đức, đầy lòng tương trợ nhau, nhưng chưa hoặc không bám rễ hoặc không hòa nhập với dòng sống chung của cộng đồng phi Cơ Đốc, để vẫn giữ sắc thái an nhiên, trong lành của một niềm tin thuần tâm linh.

 

Mục sư Lê Hoàng Phu, trong tài liệu “Lịch sử Hội thánh Tin Lành Việt Nam 1911-1965” dành cho chương trình Thần học Phúc âm TEE 1996 của ông, đã ghi lại những sự việc rất thú vị: “Trong bối cảnh chính trị và tôn giáo phức tạp đầu thế kỷ XX, Hội thánh Tin Lành Việt Nam đã phát triển đều mực và đã giữ vai trò quan trọng trong xứ, không phải trong đấu trường chính trị, nhưng trong các địa hạt luân lý, tôn giáo, xã hội và an sinh. Có điều thích thú mà nhận xét rằng: nhằm mùa Xuân 1949, khi Cựu hoàng Bảo Đại trở về Việt Nam để lập chính phủ quốc gia, đài phát thanh Sài Gòn nhiều lần loan báo ý định của vị Quốc trưởng là lãnh đạo một chính phủ gồm có những đại diện các “gia đình Tôn giáo lớn nhất” trong xứ, tỉ như Phật giáo, Công giáo La Mã, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành. Cố nhiên, lời đề nghị nầy, các nhà lãnh đạo Hội thánh Tin Lành Việt Nam đã khước từ để trung thành với tôn chỉ vạch sẵn là “không xen vào chính trị”.

Mấy năm trước đây, Linh mục Nguyễn Ngọc Lan, một học giả uyên bác Công giáo, đã viết về các đại giáo phái liên can đến nền chính trị Việt Nam vào giữa thập niên 1960 với những hệ lụy tai hại sau đó, nhận xét như sau: “Mỗi người phải công nhận từ Tin Lành vẫn còn giữ nguyên vẹn ý nghĩa đơn thuần và an nhiên của nó”.

 

Nếu so những nhận xét xác thực trên đây với lời Kinh Thánh ở Công vụ sứ đồ 17:26 “Ngài đã làm cho muôn dân sinh ra bởi chỉ một người và ở khắp trên mặt đất, định trước thì giờ đời người ta cùng giới hạn chỗ ở” thì chúng ta nghĩ gì khi Chúa an định chỗ ở của chúng ta là mảnh đất Việt, nghĩa là Ngài đặt chúng ta vào định mệnh lịch sử, sinh mệnh văn hóa của dân tộc Việt – chúng ta có sống trệch ý Ngài không khi chúng ta dường như không gắn bó với mảnh đất mà Ngài giới hạn cho chúng ta để chúng ta sống trên đó với vận mệnh sinh tồn với những người cùng màu da, cùng tiếng nói, cùng uống chung nguồn sông nước, cùng hưởng chung nguồn thổ sản, cùng thở chung bầu không khí an lành hoặc biến động qua từng thời kỳ lịch sử ?

 
 
 


(2)   Thánh kinh Tân Ước, I Tê-sa-lô-ni-ca 1:5 “Vả, đạo Tin Lành chúng tôi đã rao truyền cho anh em, không những bằng lời nói thôi, lại cũng bằng quyền phép, Đức Thánh Linh và sức mạnh của sự tin quyết nữa”

Trả lời cho câu hỏi nầy cũng tức là trả lời cho câu hỏi người Tin Lành là ai và những giá trị của Tin Lành là gì ? Biết được mình là ai và biết được những giá trị hình thành bản thể của mình, chúng ta có thể sống an nhiên, tự tại, khiêm nhường hơn và hiệu quả hơn trong đức tin ngay lành, trong sáng, đẹp lòng Đấng cứu chuộc chúng ta, Đấng đã gọi chúng ta làm con cái Ngài.

 

Ngài đã định thì giờ đời người ta cùng giới hạn chỗ ở” là để “tìm kiếm Đức Chúa Trời và hết sức rờ tìm cho được, dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi người trong chúng ta” (Công vụ các sứ đồ 17:27). Như vậy, câu Kinh Thánh nầy minh định mục đích sống của người Tin Lành trên đất, vùng đất đã định sẵn theo ý muốn của Chúa là tìm kiếm Chúa. Và vì thế người Tin Lành chính là những người sống trên đất, mang trong thân phận làm người của mình một sinh mệnh lịch sử vì “Ngài đã định thì giờ đời người ta” và một sinh mệnh văn hóa của địa bàn nơi cư trú vì Ngài đã “giới hạn chỗ ở”.

 

Trong sinh mệnh lịch sử đó, trong sinh mệnh văn hóa đó, người Tin Lành là những người dâng của lễ cho Chúa vì “anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhân đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài, anh em ngày trước không phải là một dân, mà bây giờ là dân Đức Chúa Trời, trước không được thương xót, mà bây giờ được thương xót” (I phi-e-rơ 2:9-10).

 

Là người dâng của lễ, người Tin Lành không dâng bằng sản phẩm của miền đất mình đang sống (là thổ sản của Ca-in) mà phải dâng bằng sản vật tất yếu của mệnh lệnh cứu rỗi (là chiên của A-bên). Kinh Thánh cho biết “Vả, cách ít lâu, Ca-in dùng thổ sản làm của lễ dâng cho Đức Giê-hô-va. A-bên cũng dâng chiên đầu lòng trong bầy mình cùng mỡ nó. Đức Giê-hô-va đoái xem A-bên và nhận lễ vật của người, nhưng chẳng đoái đến Ca-in và cũng chẳng nhận lễ vật của người, cho nên Ca-in giận lắm mà gằm nét mặt” (Sáng thế ký 4:3-5).

 

Như vậy, phải chăng người Tin Lành là những kẻ khước từ mọi giá trị thế tục, để chỉ băng mình trong sương gió thế gian, rủ bỏ mọi dáng vẻ văn hóa, mọi liên quan lịch sử ràng buộc để sống trọn định mệnh của kẻ được gọi là “chẳng biết sự gì khác ngoài Đức Chúa Jésus Christ, và Đức Chúa Jésus Christ bị đóng đinh trên cây thập tự” (I Cô-rinh-tô 2:2).

 

Đây là lời sứ đồ Phao-lô viết cho Hội thánh Chúa tại thành Cô-rinh-tô. Ông viết về mục đích sống của ông và đó cũng chính là điều tạo nên bản thể Cơ đốc nhân của ông: “sống vì Chúa Jésus”.

 

Nhưng cũng chính sứ đồ Phao-lô không hề từ chối định mệnh lịch sử của đời mình trong mối tương quan với cộng đồng trên đất. Ông biết thân phận của mình và ông sẵn sàng nói ra cùng mọi người về thân phận cao quý đó: “Chính tôi là dân Y-sơ-ra-ên, dòng dõi Áp-ra-ham, về chí phái Bên-gia-min” (Rôma 11:1) và “Tôi là người Giuđa, sanh tại thành Tạt-sơ, trong xứ Si-li-si, nhưng nuôi tại đây, trong thành nầy, học nơi chân Ga-ma-li-ên, đúng theo trong luật pháp của tổ phụ chúng ta.” (Công vụ 22:3) và “Quản cơ đến, hỏi Phao-lô rằng: “Hãy nói cho ta biết, ngươi có phải là quốc dân Rôma chăng? Người trả lời rằng: Phải. Quản cơ lại nói: Ta đã mua được quyền lợi quốc dân đó cao giá lắm. Phao-lô nói: Còn phần tôi thì có quyền lợi đó từ lúc mới sinh ra rồi” (Công vụ các sứ đồ 22:27-28).

 

Như vậy, Phao-lô vốn là người cao quý trong dân Y-sơ-ra-ên được nuôi dạy cẩn thận trong giới quý tộc Do Thái, lại có ưu thế về chính trị (là công dân La Mã). Tất cả được ông sử dụng một cách trân trọng như lời giới thiệu chiếc bình gốm, bình sứ quý giá để đi đến mục đích sau cùng là làm cho người ta thấy được chất chứa đựng trong chiếc bình ấy: đó là chất của sự sống đời đời trong Chúa Jésus.

 

Cũng như thế, chúng ta, người Cơ Đốc Việt Nam, nhờ Ơn Trời, đã có được một thân phận cao quý: là con dân của một dân tộc kiên cường, thông minh, có khả năng chiến đấu cao, không lùi bước trước bao nhiêu gian nan, thử thách, đã sinh tồn qua bao giai đoạn lịch sử biến động, vẫn tìm kiếm độc lập, tự do và đã giành được, đã giữ được độc lập tự do, dù trải qua nhiều năm dài thăm thẳm bị lệ thuộc phương Bắc và phương Tây (Theo PGS Nguyễn Duy Hinh trong tác phẩm “Văn minh Đại Việt”: “Trong suốt 1150 năm bị phương Bắc cai trị, thì cứ khoảng trên dưới 200 năm thì có một thời kỳ độc lập ngắn dài khác nhau, chia thành năm chặng đường đấu tranh giành độc lập. Cũng theo PGS Nguyễn Duy Hinh, muốn có những thời kỳ nổi dậy giành độc lập dân tộc thì phải có hai điều kiện: sức mạnh cơ bản là ý chí dân tộc và sức mạnh của tầng lớp trên tinh hoa của dân tộc”)(3)

 

Một điều thú vị được ghi nhận trong lịch sử Hội thánh Tin Lành Việt Nam là những người tin kính Chúa theo đạo Tin Lành trong những năm đầu tiên Tin Lành đến Việt Nam là “những thanh niên có học thức cao, người biết tiếng Pháp, kẻ giỏi chữ Nho(4), tức là thuộc tầng lớp tinh hoa của người Việt Nam.

 

Nhưng, có phải chăng, người Tin Lành Việt Nam chỉ chấp nhận nguồn cội cao quý, gốc gác kiên cường, năng lực dũng mãnh, sức chịu đựng bền bĩ mà “dòng họ” trên đất

 
 
 


(3) PGS Nguyễn Duy Hinh, Văn minh Đại Việt, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin và Viện Văn hóa, 2005, trang 7.

(4) Mục sư Lê Hoàng Phu, Ph.D, Lịch sử Hội thánh Tin Lành Việt Nam 1911-1965, Chương trình Thần học Phúc âm TEE 1996, trang 112.

 

 

truyền cho, nhưng sẵn sàng chối bỏ người mẹ, người cha, người anh em trên đất, để chạy sang láng giềng xa, láng giềng gần để tìm kế sinh nhai, để tìm đất sống khi có những đoạn đời, cha mẹ, anh em trên đất nghèo khó, túng trước hụt sau? Chẳng hề như vậy, có những người Tin Lành Việt Nam đi sang láng giềng gần, láng giềng xa thật sự để tìm đất sống trong những năm cuộc sống còn khó khăn, nhưng cũng để học tập tại những miền đất không phải là quê hương hầu cho cuộc đời phục vụ được rộng hơn, sâu hơn, từng trải hơn và nhất là để hỗ trợ xây lại những mái nhà thờ Chúa ở thành thị hoặc ở nông thôn Việt Nam. Trong những năm tháng cuộc sống còn khó khăn, cũng có những người Tin Lành Việt Nam ở lại cùng quê hương, chấp nhận một định mệnh lịch sử tất yếu, chịu đựng khó nghèo, sẻ chia gian nan cùng anh em nước Trời và anh chị em “nước Đất”, để sống và rao giảng Tin Mừng của Chúa ngay trên chính quê hương mình bằng một sinh lực không hề cạn kiệt, dù sống trong đói nghèo, trong túng thiếu.

 

Như vậy, trong một trăm năm qua, tính ngược thời gian, ở giai đoạn gần nhất của thời kỳ tái cấu trúc, tái xây dựng hiện nay, người Tin Lành Việt Nam đã sống hiền lành, bươn chải nhưng vẫn từ tốn, cật lực nhưng vẫn điểm nhiên, vẫn “phi chính trị” để không vướng vào những hệ lụy đáng tiếc, nhưng giữ lời Chúa dạy, vâng phục nhà cầm quyền và giữ gìn cuộc sống tiết độ tại nhà mình, ân cần, tận tâm với hàng xóm, với đồng bào, lúc nào cũng sẵn sàng sớt chia cuộc sống thuộc thể và cuộc sống tâm linh với những người cùng được “định thì giờ đời người, và giới hạn chỗ ở” chung với mình trên mảnh đất Việt.

 

Như vậy, ở thế hệ gần đây nhất, từ năm 1975 đến 2000, kéo dài sang những năm đầu thế kỷ XXI hiện nay, người Tin Lành Việt Nam đã dâng lên Chúa một phần của lễ trăm năm, phần mới nhất, phần tươi tắn nhất của của lễ, từ dòng thời gian đang chảy, từ dòng sức mạnh của đức tin hiện đang sinh tồn: đó là của lễ của lòng biết ơn Chúa vì định mệnh lịch sử mà Chúa đã bày ra, vì hoàn cảnh khó khăn và ý chí vươn lên của người dân Việt Nam và của con dân nước Trời tại Việt Nam, chính là của người Tin Lành Việt Nam hiện đại.

 

Đó chính là của lễ thù ân của người Tin Lành Việt Nam chân chính hiện nay dâng lên Chúa.

 

Nhìn trái biết cây. Của lễ thù ân mà người Tin Lành hiện nay có thể dâng lên Chúa là kết quả của một quá trình trăm năm Tin Lành được gieo trên mảnh đất Việt Nam. Những giá trị thiêng liêng trong đời sống thực tế của người Tin Lành, là yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại và tiết độ đã thật có nở hoa, kết trái trong tâm linh và tâm hồn những người Việt Nam thờ kính Chúa. Họ đã không tham dự vào đời sống chung của cộng đồng dân Việt Nam như một đoàn thể hùng mạnh có khẩu hiệu, có biểu ngữ, nhưng đã thầm lặng, từng người, từng cuộc đời riêng lẻ làm tròn bổn phận người dân đất Việt ở mỗi một cương vị mà từng người thấy là tốt nhất cho cuộc sống trên đất của mình. Họ đã được xã hội xung quanh thừa nhận là những con người hiền lành, trung thực, vui vẻ, hòa đồng, hay giúp đỡ, có đời sống riêng nghiêm túc, có cuộc sống tin kính tốt, trung thành với niềm tin. Qua đó, Đấng mà họ tin tưởng và thờ phượng được cộng đồng dân Việt tôn kính, không dám xúc phạm. Đó là Cứu Chúa Jésus, Đấng đã đến làm chủ nhiều cuộc đời khao khát chân lý và tình yêu thương.

 

Đó chính là của lễ trăm năm của một cây sự sống trăm năm tuổi. Con số trăm năm tuổi không phải là con số của sự già cỗi mà là một con số non trẻ, hứa hẹn sự đâm chồi, nẩy lộc, hứa hẹn sự vươn lên của một sức sống thầm kín mà mạnh mẽ, vươn lên cùng tầm với thời đại và cùng tầm với bản lĩnh của người cùng được “định chỗ ở” và “định trước thì giờ của đời người.

 

Trăm năm không phải là con số của sự già cỗi. Vì thế, của lễ trăm năm dâng Chúa của người Tin Lành Việt Nam hiện nay không thể xuất hiện dấu vết của sự già nua trong nhận thức, bạc màu trong sinh lực, tàn úa và héo hắt trong những mối cảm thông và nhất là uể oải, u tịch trong mối thông công không khơi dòng được cùng Cứu Chúa.

 

Trong tác phẩm “Sụp Đổ” của Jared Diamond, nói về sự thất bại hoặc thành công tương đối của các xã hội loài người, có nhiều điều rất thú vị. Trong đó, có câu chuyện về những viên kẹo ngọt trong ổ chuột rừng liên quan đến thời tiền sử Anasazi ở hoang mạc Nevada rất đáng cho các cộng đồng quần tụ cùng nhau trong một môi trường đặc thù phải suy ngẫm. Jared Diamond cho biết, vào năm 1849, những người đào vàng đói ăn khi vượt hoang mạc Nevada phát hiện trên vách đá có vài viên hình tròn lấp lánh giống như những viên kẹo, khi liếm hoặc ăn thì thấy có vị ngọt, nhưng sau đó thấy buồn nôn. Phân tích thì thấy đó chính là nước tiểu của loài chuột rừng bị khô đi và kết tinh cùng các chất cặn khác, bề ngoài trông giống kẹo mà thật ra là chất thải và chất mục nát của môi trường.(5)

 

Hình ảnh nầy rất đáng sợ, là hình ảnh cảnh tỉnh cho các cộng đồng quần tụ bên nhau. Sản phẩm để lại cho hậu thế không thể là chất thải của chính cộng đồng, kết dính với chất thối rửa của môi trường đương thời, đánh lừa hậu thế bằng vẻ ngoài lấp lánh và vị ngọt ở đầu lưỡi khi mới nếm vào.

 

Đọc lại lịch sử Hội thánh Tin Lành Việt Nam qua các tác phẩm thuần nghiêm cứu hoặc

 
 
 


(5)   Theo Jared Diamond, sụp đổ, Hà Trần dịch, Nhà xuất bản Tri thức, 2007, trang 162-163.

 

tự thuật của Quý Mục sư, giáo sĩ đáng kính như Cố giáo sĩ I.R.Stebbins, Cố Mục sư Lê Văn Thái, Cố Mục sư Lê Hoàng Phu, cùng những hình ảnh kỷ yếu từng thời kỳ gieo hạt giống, gầy dựng Hội thánh và phát triển Hội thánh đến ngày nay, chúng ta xúc động sâu xa trong lòng khi đọc thấy nơi đời sống rao giảng Phúc âm của các tôi tớ ngay lành, các con dân trung kiên của Chúa tỏ ra sức mạnh của sự tin quyết và hương thơm của khát vọng mở mang

 

nước Chúa trên quê hương Việt Nam. Họ đã sống đắc thắng và qua sự đắc thắng của họ, Chúa thật đã rải mùi thơm về sự nhận biết Ngài ở khắp các thành thị và làng quê Việt Nam. Trong từng giai đoạn lịch sử, từng bước thăng trầm trong đời sống chính trị và xã hội của người dân Việt Nam suốt trăm năm nay, người Tin Lành Việt Nam thật đã được ơn Chúa giữ gìn để sống có hiệu quả một cách ngay lành, thân thiện, đồng cam cộng khổ với đồng bào Việt Nam. Đó là của lễ ngay thẳng, thật thà của đứa con trăm tuổi dâng lên Đấng Vô Cùng.

 

Một vấn đề sau cùng cũng cần suy gẫm: Tuy người Tin Lành Việt Nam tan vào môi trường sống một cách tự nhiên, đầy thân thiện, nhưng người Tin Lành Việt Nam cũng cần phải đi sâu hơn và bước cao hơn vào nhịp sống của dân tộc trong nhiều lĩnh vực đóng góp, nhất là trong lãnh vực văn hóa để thấy rằng khi người Tin Lành cầm bút vẽ lên hình ảnh con chim Lạc vút bay cao chính là đưa to-tem của dân tộc (mà trong đó là khát vọng gần trời của dân Lạc Việt từ ngàn xưa) lên gần hơn với Đấng Tạo Hóa, hơn là để cho các thế hệ con trẻ Việt Nam múa may với hình tượng con rồng Đông và Đông Nam Châu Á.

 

Đó cũng là của lễ của nổ lực rao giảng nước Trời nơi đất ấm Việt Nam.

 

Và sau cùng, chúng ta hãy cùng nhau kính dâng Thiên Chúa Ba Ngôi tấm lòng tươi tắn của tình yêu và sự biết ơn Ngài bằng sự tận hiến của lòng yêu mến Chúa và sự tươi mới yêu mến con người, đất nước và chấp nhận trần gian lắm gian nan, đầy thách thức:

           Từ dâng hồn cho lời mời,

Nghe đất vỡ, thoảng nồng hơi dương trần

      Hồi chiêm ngưỡng sắc lá xanh,

Bừng bừng cuộc sống trần gian thâm tình.(6)

 

Nguyện Đức Chúa Trời là Đấng đã cứu chúng ta trong Đức Chúa Jésus Christ, sẽ cứu chúng ta trong mỗi ngày sống, để chúng ta trọn dâng của lễ cho Ngài.(7)

Amen!

 
 
 


(6)   Thơ Dã Hạc

(7)   Thánh kinh, Rôma 5:10

Các bài khác :: Chức vụ quản trị
:: Tại sao những lãnh đạo Cơ Đốc giáo rớt như ruồi?
:: Hướng về quê hương phục vụ
:: Sự cần thiết của một nền văn hóa Cơ Đốc trong Xã Hội Việt Nam hiện đại
:: Lịch sử Hội Thánh - Sự hư hoại trong cách cai trị giáo hội

Liên hệ

Hội Thánh Baptist Công Bình 380/383 Phạm văn Hai P.5 Q. TB. TPHCM (ĐT: 38454061) Giờ nhóm CN: Sáng 8 giờ Chiều 6 giờ 30. Quản nhiệm Hội Thánh MS. Nguyễn Quốc Thịnh. ĐT: 38454061. Chủ nhiệm Mục vụ: MS. Nguyễn Quốc Dũng. ĐTDĐ 0938615997



Câu gốc hôm nay

“Vì vậy, Ngài phán rằng sẽ diệt chúng nó đi; Nhưng Môi-se, là kẻ Ngài chọn, đứng nơi triệt hạ trước mặt Ngài, đặng can gián cơn giận Ngài, e Ngài hủy diệt họ chăng.”. Thi Thiên 106: 23.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


» gửi email cho chúng tôi » xem thêm các hình ảnh khác » gửi câu hỏi cho chúng tôi