Cộng Đồng Biến Đổi

                                                                CỘNG ĐỒNG BIẾN ĐỔI

                                                      KT: Công vụ 28: 1-10       CG: Rô-ma 1: 16

Thay đổi một con người là chuyện khó khăn huống chi làm cho một cộng đồng biến đổi. Mỗi người có những tánh nết và sở thích khác nhau, vì vậy trong cộng đồng mọi người khó tìm được tiếng nói chung. Lúc ban đầu nhiều nước như Vệ, Khuông, Trần, Tống, Thái, Sở không có nước nào chấp nhận Nho giáo. Đạo của Chúa Giê Su ngay từ đầu đem mọi người lại gần với nhau và giúp đỡ lẫn nhau cùng chung tay xây dựng cuộc sống tốt đẹp. Tín hữu chẳng những có đức tin, sống đạo tốt mà còn không lo sợ bệnh tật chết chóc. Đức tin vào Chúa cứu thế Giê Su đã làm cho cả một làng trên đảo Man-tơ đều trở lại tin nhận quyền phép của Chúa sau khi họ chứng kiến Phao Lô bị rắn độc cắn mà vẫn bình yên vô sự. Rồi sau đó Phao Lô cầu nguyện cho nhiều người trên đảo nầy khỏi bệnh trong đó có cả cha của vị tù trưởng trên đảo.   

Quan niệm chung của người dân trên hòn đảo nhỏ tại vùng Địa Trung Hải khi thấy một người bị rắn độc cắn là người ấy phải chết. Nhưng họ thấy Phao Lô không hề hấn gì, trong vòng những thổ dân trên đảo có người là phù thủy, có người là pháp sư, nhưng không ai có thể cứu được người bị rắn độc cắn. Phao Lô là bằng chứng cho những người dân trên đảo Man-tơ thấy lời Chúa Giê Su nói trước khi Ngài về trời thật linh nghiệm: “Vậy những kẻ tin sẽ được các dấu lạ nầy…bắt rắn trong tay, nếu uống giống chi độc cũng chẳng hại gì, hễ đặt tay trên kẻ đau, thì kẻ đau sẽ được lành.” Mác 16: 17, 18. Những nguy hiểm về tai nạn luôn làm cớ cho nhiều người lo sợ, đi biển sợ chìm tàu, đi máy bay sợ rớt, đi vô rừng sợ bị thú dữ ăn thịt, ăn uống sợ chất độc gây bệnh ung thư.v.v…Nhưng khi có một điều gì đó chứng minh sự nguy hiểm mà mọi người lo sợ không xảy ra lúc ấy mọi người, hay cả cộng đồng dân chúng đều tin. Sau khi nhà máy phát điện hạt nhân của Nhật Fukusima tháng 3 năm 2011 rò rỉ, vùng biển xung quanh bị nhiểm phóng xạ, dân chúng không dám ăn cá, sau khi chính phủ khắc phục hậu quả và kêu gọi mọi người ăn cá bình thường, dân chúng chưa tin, cho đến khi thủ tướng chính phủ đến nơi tổ chức một bửa tiệc ăn cá chung với những ngư dân đánh bắt cá tại vùng biển này, lúc ấy người dân địa phương mới giải tỏa những ám ảnh của sự nghi ngờ sợ hãi.

Cơ Đốc giáo không phải chỉ có một người đem lại niềm tin, không phải chỉ có một mình Phao Lô mới làm phép lạ chữa bệnh. Tuy nhiên nhiều sứ đồ khác cũng làm được các phép lạ chữa bệnh và kể cả những ai tin vào quyền năng của Chúa Giê Su đều có thể nhận được quyền năng thực hiện các phép lạ như lời Chúa truyền lại. Đức tin nơi Chúa Giê Su giúp cho bất cứ dân chúng nơi đâu cũng đều có những sự biến đổi. Tại thành An-ti-ốt trước đó trong Công vụ đoạn 11: 19-30 ghi chép những người tin Chúa có đời sống thay đổi từ người xấu trở thành người tốt ai cũng thấy, những người mê tín dị đoan trở thành những người ham thích học hỏi, và những người sống ích kỷ cá nhân thay đổi quan điểm trở nên người cứu giúp, gửi tiền bạc giúp cho những anh em trong Chúa nghèo khó, vì vậy họ được gọi là những Cơ Đốc nhân, người của Christ. Trên đảo Man-tơ  nơi Phao Lô và những người tù đang bị giải đến La-mã bị đắm thuyền tấp vô, thổ dân không xung đột với lính La-mã, những người tù không nỗi loạn, tất cả đều xem Phao Lô như một vị thần thánh, mặc dầu ông không bao giờ nhận sự tôn trọng đến như vậy. Nhưng Phao Lô đã chinh phục các thổ dân trên đảo bằng quyền năng của Đức Chúa Trời, bằng phép lạ rắn cắn không chết, cũng như việc chữa bệnh cho tất cả mọi người trên đảo. Mọi người yêu thương nhau, và không ai làm hại ai mặc dầu đây là lần đầu quen biết và sống chung với nhau giữa những giai cấp phức tạp nhất của xã hội: Quân đội La-mã, tù nhân, và thổ dân trên đảo. Phao Lô là một tù nhân nhưng lại là người được kính trọng nhất: “Họ cũng tôn trọng chúng ta lắm, và lúc chúng ta đi họ sửa soạn mọi đồ cần dùng cho chúng ta.” Công vụ 28: 10.

Sự kiện người Cơ Đốc đi đến đâu đều làm biến đổi cộng đồng, như tại thành An-ti-ốt và trên đảo Man-tơ cho các thế hệ sau nầy đều thấy những qui luật muôn đời trong các xã hội nhân văn không hề thay đổi:

-       Cơ Đốc giáo theo nghĩa Hán Việt là “Đạo Cơ Đốc”, nhưng Cơ Đốc Giáo theo nghĩa thuần Việt là “Đấng Christ Dạy”, các môn đồ học lời Chúa, học theo gương của Chúa. Con cái Chúa là người được Chúa dạy qua lời Kinh Thánh. Những lời Kinh Thánh dạy được đem áp dụng vào đời sống. Quyền năng của Chúa thực hiện thay đổi lòng người cũng do lời Chúa dạy.

-       Tình thương trong vòng các con cái Chúa, hoặc cách đối xử với kẻ thù, hay cách sống giữa vòng những người xa lạ, đều được thực hiện hết lòng, qua đức tin và lòng thành thật, nêu gương tốt cho mọi người.

-      Đời sống được Chúa dùng để biến đổi cộng đồng chắn chắn không thể không có ơn làm phép lạ cũng không thể nào thiếu ơn trong việc cầu nguyện chữa bệnh cho bất cứ ai tìm đến để nhờ cậy Chúa. Chúa Giê Su đi khắp các thành các làng xứ Giu Đê để chữa bệnh, tuy nhiên người bệnh phải tìm đến Chúa bằng cả lòng chân thành và đức tin mong mõi Chúa sẽ chữa bệnh. Người theo gương Chúa không phải đi tìm bệnh nhân để cầu nguyện chữa bệnh nhưng là những người có quyền năng của Chúa khiến bệnh nhân đến tìm để cầu xin chữa bệnh.

-       Người hầu việc Chúa không phải là nhân vật quan trọng (VIP) mà là người được tôn trọng. Chúa Giê Su nói: “Ai hầu việc ta, cha ta tôn quí người”. Phao Lô nói: “Họ cũng tôn trọng chúng ta lắm.”

 

Mục sư Nguyễn Quốc Dũng

          

 

 

Các bài khác :: Thiết Tha Cầu Xin
:: Cầu Nguyện Chung
:: Hiệp Một Cầu Xin
:: Biết Chắc Sự Ban Cho Của Chúa
:: Phép Lạ Chữa Lành Bệnh

Liên hệ

Hội Thánh Baptist Công Bình 380/383 Phạm văn Hai P.5 Q. TB. TPHCM (ĐT: 38454061) Giờ nhóm CN: Sáng 8 giờ Chiều 6 giờ 30. Quản nhiệm Hội Thánh MS. Nguyễn Quốc Thịnh. ĐT: 38454061. Chủ nhiệm Mục vụ: MS. Nguyễn Quốc Dũng. ĐTDĐ 0938615997



Câu gốc hôm nay

“Vì vậy, Ngài phán rằng sẽ diệt chúng nó đi; Nhưng Môi-se, là kẻ Ngài chọn, đứng nơi triệt hạ trước mặt Ngài, đặng can gián cơn giận Ngài, e Ngài hủy diệt họ chăng.”. Thi Thiên 106: 23.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


» gửi email cho chúng tôi » xem thêm các hình ảnh khác » gửi câu hỏi cho chúng tôi