Sự cần thiết của một nền văn hóa Cơ Đốc trong Xã Hội Việt Nam hiện đại
SỰ CẦN THIẾT CỦA MỘT NỀN VĂN HÓA CƠ ĐỐC TRONG XÃ HỘI VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
Dã Hạc
Từ trước đến nay, có thể nhận thấy sự đóng góp hiệu quả của một cộng đồng đặc thù trong một cộng đồng lớn rộng hơn được tính đến qua những bình diện: số người, hiệu quả kinh tế, xã hội, văn hóa, trong đó hiệu quả về mặt văn hóa khẳng định thiện chí đóng góp và cũng khẳng định bản chất riêng của cộng đồng đặc thù ấy. Văn hóa chính là hồn sống của một tồn tại, nếu được tan hòa vững chải, pha sắc bứt phá thì sẽ làm đậm sắc màu của cộng đồng chứa đựng tồn tại ấy, theo gam màu chủ đạo của tồn tại đặc thù ấy.
Việt Nam, qua 40 thế kỷ của lịch sử, dường như đã được pha màu, đã chịu sự lan tỏa sắc màu của một nền văn hóa phát xuất từ Ấn Độ, văn hóa Phật giáo, nhưng chưa phải là đúng như vậy. Niềm tin cơ bản của tâm linh người Việt vẫn là trông mong vào sự phò hộ của ông bà, của tổ tiên và bổn phận cơ bản khẳng định bản chất đạo đức của người Việt là thờ cúng ông bà. Người Việt Nam cũng thờ Trời, xem Trời là vị thần tối cao ban ơn huệ “Nhờ Trời, Ơn Trời” và là vị thần phán đoán công minh: “Có Trời chứng giám”. Tuy là thờ Trời, biết ơn Trời, trông cậy vào sự đoán xét của Trời, nhưng người Việt Nam chưa biết rõ về Trời, chưa biết rõ Ngài là ai, Ngài có danh xưng gì và Ngài có tham dự cụ thể với đời sống của con người trên trái đất như thế nào. Sâu thẳm trong tiềm thức, người Việt Nam là một dân tộc chưa khẳng định được bến đỗ niềm tin của mình, một dân tộc chưa có đường đi rõ ràng, cho nên khi gặp nhau, lời chào của người Việt cũng là một câu hỏi: “Thưa Bác/Chào Bác, Bác đi đâu vậy Bác ?”
Đây là một thửa đất tốt, đã chịu sự cày xới, rèn tập khổ đau qua lịch sử, lại khao khát Ơn Trời. Đây là một thửa đất tốt cho hạt giống văn hóa Cơ Đốc chan chứa tình yêu và sự khoan dung mọc mầm, nẩy nở.
Làm thế nào để cho nền văn hóa Cơ Đốc mọc mầm, sinh sôi kết quả trong tâm hồn người dân Việt, trước tiên phải có một nền văn hóa Cơ Đốc được định hình trên chân lý cứu rỗi của Con Trời là Cứu Chúa Jésus và chan hòa trên tính cách văn hóa của người Việt: tiếp thu những tinh hoa vốn ở ngoài chân trời Lạc Việt mà vẫn muốn giữ hồn Việt khoắc khoải hai mùa mưa nắng gian nan, dè dặt với cái mới, chậm rãi và bướng bỉnh giữ gìn nếp cũ của cha ông.
Cộng đồng người Cơ Đốc trên đất nước Việt Nam chưa định hình một nền văn hóa riêng giữa cộng đồng dân Việt Nam, cũng chưa giăng được một sợi dây liên kết giữa vẻ đẹp, vẻ sáng của sinh lực Cơ Đốc với những đặc điểm riêng của dân tộc: chịu khó, kiên nhẫn, khoan hòa, đấu tranh, giản dị, hay suy nghĩ, bướng bỉnh, cố chấp nhưng cũng dễ xúc động, dễ lạc lòng.
Thực tế của cộng đồng người Cơ Đốc, kể cả người theo Công giáo La Mã, trên đất nước Việt Nam, là chưa tạo dựng được một nền văn hóa Cơ Đốc ngấm sâu vào mạch sống tinh thần và tâm linh người Việt. Cũng chưa có một nhà văn hóa Cơ Đốc Việt Nam được dòng suối mát Cơ Đốc chuyển lưu từ mạch sống ngầm của sự cứu rỗi lên tầng đất mặt của văn hóa Việt Nam, để thực hiện được nhiệm vụ thiêng liêng là thầy tế lễ cho đồng bào, dân tộc và giải bày tính cách Việt Nam tiềm ẩn và lắng tụ qua nhiều thế hệ cho những cuộc đời truyền giáo khác, cho những con dân khác của Nước Trời trên đất.
Nhìn vào số các đầu sách được trình bày trong các nhà sách mới thấy rõ tình trạng sa mạc hiếm hoi ốc đảo – gần như hoang vắng – của hiện trường văn phẩm Cơ Đốc. Chỉ có một nhà xuất bản duy nhất: nhà xuất bản Tôn giáo với những tác phẩm về giáo lý, về suy nghiệm tâm linh, về giáo dục Cơ Đốc, hầu hết là những văn phẩm dịch. Không có một nhà văn Cơ Đốc Việt Nam nào viết về nếp sống, về sinh hoạt, về suy nghĩ của cộng đồng Cơ Đốc giữa lòng dân tộc Việt Nam như những văn phẩm “đời” viết về làng chài, về dân đào vàng, về các bản làng Tây nguyên, về những “cánh đồng bất tận” ở lưu vực sông Cửu Long. Cũng không có nhà văn hóa Cơ Đốc nào bày tỏ sự lần bước trên con đường tìm hiểu và khám phá về dân tộc mình trên quan điểm của người Cơ Đốc, hoặc ngược lại – nghĩa là chưa có một nhà văn hóa Cơ Đốc Việt Nam nào bày tỏ sự tìm hiểu, khám phá về niềm tin Cơ Đốc của mình trên quan điểm của người sống trong các giá trị cơ bản của nền văn hóa Việt Nam: đó là giá trị suy gẫm và ứng xử theo các tiêu chuẩn của văn hóa bản địa: thờ cúng tổ tiên và nhờ cậy các vị thần địa phương (các Thành hoàng) pha trộn với các tiêu chuẩn của ba nền văn hóa du nhập: Nho, Phật và Lão.
Và điều quan trọng là, chúng ta không có một Cơ Đốc nhân cầm bút chuyên nghiệp nào để được gọi là nhà văn hóa Cơ Đốc, và mức độ lắng sâu vào văn hóa Việt Nam đến nỗi được gọi là “nhà văn hóa Cơ Đốc Việt Nam”. Tất cả những gì chúng ta có được là một vài tay viết nghiệp dư, một vài bút nhóm, một vài tuyển tập “lưu hành nội bộ”. Chừng đó nhân tố và văn phẩm Cơ Đốc tồn tại cho con số trên 80 triệu dân Việt Nam. Thật đáng suy gẫm.
Đây là một điều rất đáng tiếc, bởi vì đạo Tin Lành đã có mặt ở Việt Nam vừa đúng 100 năm. Một con số vừa đủ cho một sự sống đâm chồi nẩy lộc để kết quả tươi, lành, sực nức hương thơm trên cội cây dân tộc 4000 năm tuổi.
Thế nhưng, chúng ta đã không có gì và phải chăng rồi cũng sẽ “không có gì” để phải đau lòng, hổ thẹn với tiền nhân Việt Nam trong đức tin, bởi vì lịch sử Hội thánh Tin Lành Việt Nam ghi nhận một điều rất thú vị, rất đáng khích lệ cho chúng ta, ấy là những người tin kính Chúa theo đạo Tin Lành trong những năm đầu tiên Tin Lành đến Việt Nam là “những thanh niên có học thức cao, người biết tiếng Pháp, kẻ giỏi chữ Nho”, tức là thuộc tầng lớp tinh hoa của người Việt Nam.
Tại sao trên cái nền tiền nhân có năng lực, có khả năng ươm mầm văn hóa ấy, chúng ta đã không thể bứt phá để tạo mầm sinh lực, để pha màu tô sắc đậm bản chất Cơ Đốc cho nền văn hóa Việt ?
Câu trả lời rất đơn giản là chúng ta, mỗi người Cơ Đốc trên đất nước Việt Nam, đều bị bao vây, bị “mắc kẹt” trong cuộc sống đời thường của mỗi người với những lo nghĩ cho cuộc sống cụ thể về sinh kế, về các mối quan hệ trong Hội thánh, trong xã hội, giữa thân bằng quyến thuộc và điều quan trọng nhất, ấy là mỗi người Tin Lành Việt Nam hầu như đều xả thân với mệnh lệnh rao giảng Tin Mừng của Chúa Jésus qua nếp sống được biến cải, qua sự rao giảng cụ thể bằng lời nói, bằng những buổi giảng Tin Lành giữa Hội thánh. Và trong những mối bận tâm chiếm hết thời gian đó, việc “trở nên mọi cách cho mọi người” theo gương sứ đồ Phao Lô đã không có chỗ cho “cách văn hóa” bởi vì phương cách ấy đòi hỏi và chờ đợi những người có ân tứ, đòi hỏi một mối quan tâm sâu sắc và một kế hoạch lâu dài của Hội thánh chung.
Chúng ta có thể làm gì ?
Thử xem một người anh em trong cộng đồng Cơ Đốc khác tại Việt Nam đã có thể làm gì khi tuổi đời Việt Nam của họ trên 300 năm và họ đã có những thỏa hiệp về tập quán tâm linh để có thể khoát bản sắc văn hóa Việt cho niềm tin Ki Tô của họ.
Đó là giáo hội Công giáo La Mã tại Việt Nam.
Trải qua trên 300 năm, giáo hội Công giáo đã có tên nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký thạo nhiều ngôn ngữ nhưng không có nhà văn hóa nào làm được công việc đáng mong ước trên đây là xây dựng một nền văn hóa Cơ Đốc thuần Việt được định hình trên chân lý cứu rỗi của Con Trời là Cứu Chúa Jésus và chan hòa trên tính cách đặc thù của văn hóa Việt. Những năm 60 của thế kỷ XX, đã có một Linh mục Công giáo là Linh mục Kim Định có những nổ lực xây dựng một nền triết học Ki Tô giáo cho người Việt Nam dựa trên tiềm thức thờ Trời của người dân Việt, nhưng những nổ lực ấy vẫn chưa đụng đến trái tim của chân lý cứu rỗi: Chúa Jésus và Thập tự giá của Ngài.
Người Công giáo Việt Nam cũng đã tìm cách thỏa hiệp với tập tục thờ cúng Ông bà của người Việt Nam bằng sự cho phép làm đám kỵ giỗ ..v..v...nhưng sự thỏa hiệp ấy cũng không làm mờ đi sự khác biệt trong nếp sống giữ văn hóa Việt bình thường và một nếp sống toàn tâm toàn ý thờ phượng Chúa Ba Ngôi.
Chúng ta có thể làm gì ?
Có nên chăng việc những người Cơ Đốc có ân tứ nghĩ và viết tập họp nhau lại, cầu nguyện, nhờ ơn Chúa soi sáng cho có một đường lối hầu việc qua văn hóa, một chiến lược và một chương trình lâu dài cho việc đem văn hóa Cơ Đốc chan hòa vào những giá trị lâu dài của văn minh và văn hóa Việt Nam ?
Có nên chăng việc tổ chức những “trại sáng tác” cho những người có ân tứ viết lách được bứt khỏi cuộc sống thường nhật để chuyên tâm cầu nguyện, đọc, nghĩ và viết để có những tác phẩm có ơn, hầu cho có thể định hình một bước cơ bản cho những nhịp cầu đưa bạn bè, anh em cùng dòng máu Việt, cùng sức sống mới trong Chúa Jésus chung tay nhau hình thành những sắc thái mới cho văn hóa Lạc Việt dựa trên những giá trị dân tộc bị bỏ quên – con chim Lạc, totem của dân Lạc Việt có đôi cánh mềm, giang rộng, xoải cánh bay vút lên bầu trời Việt Nam thay vì con rồng cựa mình, uốn khúc vô vọng của một vùng Đông Á thường bị bão táp mưa sa ?
Có nên chăng việc tổ chức truyền đạt kinh nghiệm – thờ phượng Chúa, học đọc và viết – của một số người đi trước cho thế hệ sau, để sớm hình thành một chuỗi dây nối kết những tấm lòng và những khả năng có thể hình thành và phát triển một nền văn hóa Cơ Đốc Lạc Việt ?
Ước muốn của chúng ta thật chân chính nhưng cũng thật lớn lao. Ước mong chúng ta được Chúa giúp sức, cho được có những bước giản dị, khiêm tốn nhưng cương quyết và mạnh mẽ nhờ vào Ơn Chúa để được dẫn đi trong đường lối Chúa về niềm mong ước hôm nay. Amen !
Dã Hạc
Các bài khác
:: Chức vụ quản trị
:: Tại sao những lãnh đạo Cơ Đốc giáo rớt như ruồi?
:: Hướng về quê hương phục vụ
:: Của lễ trăm năm
:: Lịch sử Hội Thánh - Sự hư hoại trong cách cai trị giáo hội
|
|