Hướng về quê hương phục vụ

HƯỚNG VỀ QUÊ HƯƠNG PHỤC VỤ

Từ khi có chính sách đổi mới của chính quyền Việt Nam nam 1986, người Việt hải ngoại không còn bị cho là chạy theo Đế Quốc, phản bội tổ quốc, và phản bội nhân dân nữa mà là tiềm năng chính giúp ngăn chận suy thoái kinh tế của đất nước. Người Việt hải ngoại được khuyến khích về thăm quê hương, góp phần xây dựng đất nước, và ngày càng có nhiều người Việt trở về thăm quê hương sau bao nhiêu năm xa cách.

Năm 1994 chính phủ Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam, năm 1995 Việt Nam cũng đã ký thoả hiệp với cộng đồng Châu Âu và tái lập bang giao với Mỹ, và gần đây nhất vào ngày 4 tháng 5, sau nhiều lần xem xét, chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký thỏa hiệp về quyền tự do tín ngưỡng. Theo thỏa hiệp, Việt Nam phải thay đổi rất nhiều để được rút tên ra khỏi danh sách các nước cần “đặc biệt quan tâm.” Điều đó cho thấy rằng, với xu thế xã hội hiện tại, chính phủ Việt Nam phải thay đổi nhiều để hòa nhập vào cộng đồng quốc tế trong một ngày không xa. Người Tin Lành chúng ta không được khuyến khích làm chính trị, nhưng chúng ta nên có thái độ đối với từng thể chế chính trị. Chúng ta cần cầu nguyện để nhà cầm quyền Việt Nam sớm thay đổi và nhìn nhận quyền tự do tín ngưỡng thực sự cho đồng bào Việt Nam. Trong những năm vừa qua, có rất nhiều người Việt ở hải ngoại hướng về quê hương để thăm viếng, đóng góp xây dựng, tổ chức công tác từ thiện, và mang Tin Lành đến cho nhiều người Việt tại quê nhà. Có rất nhiều giáo phái đã có những kế hoạch cụ thể để phát triển Hội Thánh khi có cơ hội tốt.Với hơn 80 triệu đồng bào trong nước hiện tại nhưng chỉ có chưa đến 2 triệu người tin Chúa là một thách thức lớn cho mỗi một chứng nhân như chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhìn thấy nhiều khó khăn ở phía trước trong tình trạng Hội Thánh chung của người Việt hiện nay. Là thanh niên Tin Lành, chúng ta cũng cần biết những khó khăn này, ngỏ hầu khi nhận tiếng gọi của Chúa, chúng ta sẽ không ngỡ ngàng nhưng có sự chuẩn bị trước để đối phó với nó.

Trước tiên là giáo phái, làm sao có sự hiệp một giữa các giáo phái Tin Lành trong việc Hầu Việc Chúa? Đó là một câu hỏi lớn! Một trong những sai lầm mà chúng ta thỉnh thoảng thấy đó là việc tranh nhau đem người đến với giáo phái hoặc nhà thờ của mình thay vì đến với Chúa. Điều này xuất phát từ việc nhìn nhận sai về giáo phái hoặc là do không tìm hiểu cũng như kết hợp với các giáo phái khác mà cứ nghĩ rằng giáo phái mình là đúng, là phải, và chỉ có giáo phái mình mới có thể vào được Thiên Đàng. Tình cảm tôn giáo cũng làm cho chúng ta trung thành với giáo phái hơn là trung thành với Chúa. Bản chất ganh tỵ trong con người cũ vẫn còn đó và âm thầm len lỏi vào trong công việc của chúng ta làm tăng thêm lên tinh thần phục vụ giáo phái hơn là phục vụ Chúa. Thứ hai là người lãnh đạo Hội Thánh, chúng ta phải nhìn nhận rằng chức vụ Mục Sư không còn được coi trọng lắm trong Hội Thánh ngày nay. Lý do là có quá nhiều người “ao ước” được chức vụ này trong khi chưa được trang bị đầy đủ cả về Kinh Thánh cũng như từng trải trong công việc Chúa (tôi dùng chữ “ ao ước” với 2 ý nghĩa: thực sự ao ước hầu việc Chúa và muốn được danh). Những giáo phái mới vào Việt Nam có thể phong chức Mục Sư cho một số người chỉ được học Kinh Thánh vài tháng. Vì năng lực chưa đủ, lại đảm trách một công việc quan trọng nên họ thường có rất nhiều quyết định sai lầm trong chức vụ. Đây là nguyên nhân của rất nhiều sai lầm khác nữa. Một quan niệm rất sai lầm là người Hầu Việc Chúa không cần có nhiều kiến thức và kỹ năng, chỉ cần tấm lòng mà thôi. Đó là một nguyên nhân làm cho nhiều người Hầu Việc Chúa cho rằng mình không cần học hỏi thêm. Nếu phải chọn một trong hai người, một yêu mến Chúa nhưng thiếu kỹ năng và một người có nhiều kỹ năng nhưng không yêu mến Chúa thì có lẽ phải nên chọn người yêu mến Chúa để Hầu Việc Chúa. Nhưng nếu cả hai người cùng yêu mến Chúa nhưng một người có nhiều kỹ năng, một người chẳng có gì hết thì bạn nghĩ nên chọn ai? Thứ ba là nhân sự trong Hội Thánh. Có rất nhiều con cái Chúa không thiếu bất cứ một khóa học nào được Hội Thánh tổ chức (hoặc học “chui” bên ngoài). Nhưng khoảng cách từ việc học và thực hành điều đã học thì quá xa và gần như không bao giờ áp dụng được. Điều này có lẽ do rất nhiều người lãnh đạo Hội Thánh muốn ôm đồm nhiều việc, không dám phân công công việc cho người khác. Cũng không loại trừ khả năng những khóa học không chất lượng, dạy theo kiểu ngẫu hứng và không có một chương trình hẳn hoi. Người học có thể thấy hay nhưng chẳng biết tìm đầu ra để áp dụng vào thực tế. Thứ tư, quan niệm truyền thống của người Tin Lành, ngay cả nhiều Mục Sư và Truyền Đạo, là mọi thứ đều ưu tiên cho tín đồ. Trong sách Tin Lành Mathiơ 9:12, Chúa Giê-xu phán rằng: “chẳng phả là người khoẻ mạnh cần thầy thuốc đâu xong là người khoẻ mạnh.” Thực vậy, Hội Thánh nếu không ra đi thì không bao giờ phát triển được. Khi ra đi, chúng ta sẽ thấy mình chưa đủ và cần hoàn thiện hơn nên đó cũng là động cơ giúp cho chính chúng ta tăng trưởng. Một Hội Thánh ở Đồng Nai, sau bao nhiêu năm vẫn dậm chân tại chỗ. Sau khi được huấn luyện một chương trình Truyền Giáo Sức Khoẻ Cộng Động (Community Health Evangelism), họ năng nổ ra đi, kết quả là đã mở mang một Hội Thánh nhánh và hiện tại đang mở tiếp một Hội Thánh nữa. Chúng ta không sợ thiếu khả năng và thiếu tiền bạc hơn là sợ thiếu một tinh thần dấn thân cho Chúa. Thứ năm là những người bên ngoài đến hổ trợ cho Hội Thánh. Rất nhiều đoàn thể tôn giáo hay cá nhân đến các Hội Thánh tại Việt Nam để giúp đỡ về thuộc linh cũng như thuộc thể. Thật đáng hoan nghênh tinh thần đó. Nhưng một điều mà chúng ta hay mắc phải đó là chúng ta đến để giúp cho họ “cá” chứ không tìm cách giúp “cần câu và cách câu cá” cho họ. Chúng ta cần hiểu hai ý nghĩa “cứu trợ (relief)” và “phát triển (development).” Cứu trợ chỉ có thể hiệu quả trong lúc khó khăn cấp bách như bảo lụt, tai ương mà thôi. Nếu dùng nó thay cho phát triển thì chẳng những không có lợi mà còn có hại nữa. Lý do là khi có được sự giúp đỡ mà không biết ý nghĩa rõ ràng thì sẽ sinh ra tính ỷ lại, trông chờ sự giúp đỡ. Để làm công tác phát triển được hiệu quả, người thực hiện cần kiên trì và có phương pháp. Làm những công việc nhỏ trước rồi phát triển dần dần thành công việc lớn. Nên bắt đầu bằng cái gì sẳn có. Đặc biệt là phải sử dụng nguồn nhân lực tại địa phương. Người ngoài đến giúp đỡ chỉ là chất xúc tác và hướng dẫn phương pháp mà thôi. Đây chính là những gì mà Chúa Giê-xu thực hiện khi Ngài còn ở thế gian: “Hởi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều” (Math 25:21b) và bất cứ công việc nào Chúa thực hiện, Ngài điều bắt đầu từ những cái đơn giản nhất sẵn có.

Tóm lại, trên đây là những ý kiến nhỏ mong được góp vào công việc nhà Chúa chung. Rất mong mỗi một người trong chúng ta có cơ hội góp phần vào công việc Chúa hiệu quả trong tương lai. Khi những cánh cửa mở rộng trên quê hương, chúng ta sẵn sàng ra đi với đầy đủ hành trang, xoá bỏ đi những tranh cạnh và hiềm khích để hiệp một với nhau xây dựng nhà Chúa cứu vớt 80 triệu linh hồn đang còn trong hư mất.
Amen

thien_y78  (Thanh niên Tin Lành)

Các bài khác :: Chức vụ quản trị
:: Tại sao những lãnh đạo Cơ Đốc giáo rớt như ruồi?
:: Của lễ trăm năm
:: Sự cần thiết của một nền văn hóa Cơ Đốc trong Xã Hội Việt Nam hiện đại
:: Lịch sử Hội Thánh - Sự hư hoại trong cách cai trị giáo hội

Liên hệ

Hội Thánh Baptist Công Bình 380/383 Phạm văn Hai P.5 Q. TB. TPHCM (ĐT: 38454061) Giờ nhóm CN: Sáng 8 giờ Chiều 6 giờ 30. Quản nhiệm Hội Thánh MS. Nguyễn Quốc Thịnh. ĐT: 38454061. Chủ nhiệm Mục vụ: MS. Nguyễn Quốc Dũng. ĐTDĐ 0938615997



Câu gốc hôm nay

“Vì vậy, Ngài phán rằng sẽ diệt chúng nó đi; Nhưng Môi-se, là kẻ Ngài chọn, đứng nơi triệt hạ trước mặt Ngài, đặng can gián cơn giận Ngài, e Ngài hủy diệt họ chăng.”. Thi Thiên 106: 23.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


» gửi email cho chúng tôi » xem thêm các hình ảnh khác » gửi câu hỏi cho chúng tôi