Chức vụ quản trị


CHỨC VỤ

QUẢN TRỊ

 

STEPHEN B. DOUGLAS

         BRUCE E. COOK

            DR. HOWARD G. HENDRICKS

 

 

 

 

MỤC LỤC

 

PHẦN 1   -     GIỚI THIỆU

 

-  Bối cảnh, mục đích và những lời chỉ dẫn

-  Về các tác giả

-  Nhìn chung

 

PHẦN 2   -     LẬP KẾ HOẠCH

 

-  Lập kế hoạch là gì?

-  Tại sao các Cơ Đốc nhân phải lập kế hoạch

-  Cách lập kế hoạch

-  Những điều cân nhắc khác trong việc lập kế hoạch

 

PHẦN 3   -    TỔ CHỨC

 

-  Tổ chức là gì?

-  Tại sao phải tổ chức

-  Những nguyên tắc của sự tổ chức

-  Cách tổ chức

-  Tổ chức từ kế hoạch

-  Mô tả công tác

-  Uy quyền, giao việc

-  Ap dụng

 

PHẦN 4   -     LÃNH ĐẠO

 

-  Cách lãnh đạo – I

-  Nghiên cứu các vấn đề

-  Các đặc tính của một người lãnh đạo

-  Cách trở thành một người lãnh đạo (Bài tập)

-  Cách lãnh đạo – II

-  Cách lãnh đạo (Nghiên cứu các vấn đề)

-  Cách động viên một người

-  Cách động viên (Bài tập)

 

PHẦN 5   -    KIỂM TRA

 

-  Kiểm tra là gì?

-  Tại sao phải kiểm tra?

-  Những nguyên tắc kiểm tra

-  Cách kiểm tra

-  Ap dụng

 

PHẦN 6   -    TỰ QUẢN TRỊ CHÍNH MÌNH

 

-  Tự quản trị là gì?

-  Tại sao bạn phải tự quản trị?

-  Cách quản trị thì giờ của bạn

 

PHẦN 7   -    LỜI KẾT LUẬN

 

-  Tóm lược

-  Một thách thức cho Đại Mạng Lệnh

-  Đề nghị các sách cần tham khảo

 

PHẦN 8   -    CÁC MẪU BÀI TẬP

 

-  Hoạch định các bài thực tập

-  Tổ chức các bài thực tập

-  Kiểm tra các bài thực tập

-  Các bài thực tập về Tự Quản Trị

-  Các bài thực tập về thời biểu 18 tháng

-  Mẫu hồ sơ kiểm tra sự tiến bộ

 

 

 

 

 

 

LỜI MỞ ĐẦU

 

CỦA HỘI TRƯỞNG HỘI CAMPUS CRUSADE FOR CHRIST

 

Khi Chúa Jesus ủy thác trọng trách cho các môn đồ hãy đi khắp thế gian giảng Tin Lành và khiến muôn dân trở nên môn đồ của Ngài. Ngài phải dặn họ ở lại thành Giê-ru-sa-lem và không khởi sự nỗ lực làm gì cả cho đến khi họ được đầy dẫy Thánh Linh. Ngài phán: “Khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép và làm chứng về Ta tại Giê-ru-sa-lem, xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất.” (Công 1:8)

Qua những lời này, Chúa Jesus ngụ ý rằng: “Mặc dầu các ngươi đã từng ở với Ta trong ba năm qua, các ngươi đã nghe ta dạy dỗ dân chúng và thấy ta chữa lành nhiều người chết sống lại nữa, nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Các ngươi cần được Đức Thánh Linh ban quyền năng để sống có kết quả cho Ta”.

 

Ngày nay điều này cũng đúng đối với mọi hình thức phục vụ của Cơ Đốc Nhân, kể cả chức vụ quản lý. Chúng ta có thể đạt đến những phương pháp và các kỹ thuật tiên tiến nhất mà loài người sáng chế ra được, nhưng nếu chúng ta không được đầy dẫy Thánh Linh, chúng ta sẽ không thể sử dụng những phương pháp ấy một cách có hiệu quả được. Như lời sứ đồ Phao-lô đã chỉ ra ở bức thư của ông gởi cho người Ê-phê-sô, “Sức mạnh của chúng ta phải phát xuất từ sức toàn năng của Chúa ở trong chúng ta” (Ê-phê-sô 6:10 Bản Diễn Ý), hơn là từ chính chúng ta, nếu chúng ta muốn có kết quả cho Chúa.

 

Chính Chúa Jesus đã phán, “Hãy cứ ở trong Ta, thì Ta sẽ ở trong các ngươi. Như nhánh nho nếu không dính vào gốc nho, thì không tự mình kết quả được, cũng một thể ấy, nếu các ngươi chẳng cứ ở trong Ta, thì cũng không kết quả được. Ta là gốc nho các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong Ta và Ta trong họ thì sinh ra lắm trái, vì ngoài Ta các ngươi chẳng làm chi được” (Giăng 15:4-5).

 

Là một thanh niên ở Viện Đại Học và sau này ở trong con đường kinh doanh, tôi rất thường tự mãn, hãnh diện về những gì tự sức tôi có thể làm được. Tôi tin rằng một người có thể làm được bất cứ điều chi người đó muốn nếu người đó sẵn sàng trả giá bằng sự cần cù làm việc cũng như sự hy sinh, và tôi đã kinh nghiệm được một số thành công nhất định. Rồi khi tôi đã trở thành một Cơ Đốc Nhân, tôi được giới thiệu vào một triết lý sống hoàn toàn mới – một đời sống tin cậy thay cho đời sống nỗ lực của tôi.

 

Tôi bắt đầu nhận thấy sức  lực của tôi thật yếu kém thay khi so sánh với sức mạnh tiềm tàng của tôi trong Đấng Christ, vì quyền năng sẵn có trong tôi trong cương vị Cơ Đốc Nhân “cũng giống y phép tối thượng của năng lực Đức Chúa Trời mà Ngài đã tỏ ra trong Đấng Christ, khi khiến Đấng Christ từ kẻ chết sống lại và làm cho ngồi bên hữu mình tại các nơi trên trời” (Ê-phê-sô 1:19-20)

 

Các Cơ Đốc Nhân thế kỷ đầu tiên, nhờ được Đức Thánh Linh điều khiển và ban quyền năng đã làm đảo lộn thế giới. Đó không phải là sự khôn ngoan, tài hùng biện, sự lý luận, nhân cách tốt hay khả năng thuyết phục của họ đã làm thay đổi cục diện lịch sử. Đó chính là quyền năng thiên thượng siêu việt đã biến đổi họ từ những con người sợ hãi trở thành những chứng nhân rực rỡ sáng chói cho Đấng Christ.

 

Khi người thiên nhiên, ngoại đạo trở thành con cái của Đức Chúa Trời thì tội lỗi của người ấy đã được tha thứ vào ngay giờ phút mà người đó tiếp nhận Đấng Christ làm Cứu Chúa của mình và người ấy đã được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Như thể người ấy đã được ban cho quyền đến gần mọi kho tàng thuộc linh mà người ấy cần có để sống một đời sống phong phú, sống động và có kết quả cho Chúa Cứu Thế. Người ấy phải chiếm được những ân tứ này bằng đức tin.

 

Tuy nhiên đầy dẫy Đức Thánh Linh không phải là một kinh nghiệm một lần đủ cả. Mặc dầu trong cương vị Cơ Đốc Nhân chúng ta luôn luôn được Đức Thánh Linh ngự trị trong lòng ngay từ lúc chúng ta tin nhận Chúa, nhưng trong Ê-phê-sô 5:18 chúng ta được lệnh phải thường xuyên, liên tục được Đức Thánh Linh đầy dẫy (điều khiển và ban quyền năng) như một lối sống.

 

Đức Thánh Linh đã đến để tôn vinh Chúa Jesus Christ, và khi chúng ta được đầy dẫy Thánh Linh, thì chúng ta thật sự ở trong Đấng Christ và Ngài ở trong chúng ta. Khi chúng ta để cho Đức Thánh Linh điều khiển chúng ta – không phải như một người  máy, nhưng như một người được lãnh đạo và ban quyền năng bởi một sức mạnh lớn hơn mình – thì Chúa Jesus Christ có thể thật sự bước đi trong thân thể chúng ta, yêu thương bằng quả tim của chúng ta, suy nghĩ với đầu óc chúng ta và qua chúng ta. Hãy suy nghĩ đến điều ấy! Mỗi một người tín đồ trong Đấng Christ đều có đặc ân lớn lao (hầu như khó tin nổi) để rút ra được (từ sự khôn ngoan sáng tạo, thiên thượng của chính Đức Chúa Trời) khả năng có thể giúp mình hoàn thành nhiệm vụ của một nhà quản trị Cơ Đốc.

 

Như Sứ đồ Phao-lô đã nói, “Chúng ta (những Cơ Đốc Nhân được Thánh Linh điều khiển) đều có tâm trí của Đấng Christ” (I Cô-rinh-tô 2:16).

Cũng vậy, Gia-cơ đã nhắc nhở chúng ta, “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người các rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho. Nhưng phải lấy đức tin mà cầu xin, chớ nghi ngờ, vì kẻ hay nghi ngờ giống như sóng biển, bị gió động và đưa đi đây đi đó. Người như thế chớ nên tưởng mình lãnh được vật chi từ nơi Chúa…” (Gia-cơ 1:5-7)

 

Để kinh nghiệm được đời sống phong phú, kỳ thú này với Chúa Jesus Christ, chúng ta phải được Đức Thánh Linh điều khiển. Tuy nhiên, chúng ta không cần phải nài nỉ Đức Chúa Trời để được đời sống quyền năng và đầy hiệu quả này, chúng ta cũng không cần đánh đổi và mặc cả với Ngài. Một đời sống như thế đã sẵn có cho chúng ta bởi đức tin. Cũng như chúng ta trở thành Cơ Đốc Nhân bằng đức tin thì chúng ta cũng được Đức Thánh Linh điều khiển và ban quyền năng bằng đức tin. “Anh em đã nhận Đức Chúa Jesus Christ thể  nào, thì hãy bước đi trong Ngài thể ấy” (Cô-lô-se 2:6).

 

Đức Chúa Trời đã truyền lệnh chúng ta phải đầy dẫy Đức Thánh Linh. Ngài cũng đã ban cho chúng ta một lời hứa để khiến mạng lệnh này trở thành hiện thực; “Nầy là điều chúng ta dạn dĩ ở trước mặt Chúa, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta.   15Nếu chúng ta biết không cứ mình xin điều gì, Ngài cũng nghe chúng ta, thì chúng ta biết mình đã nhận lãnh điều mình xin Ngài.” (I Giăng 5:14-15)

 

Mặc dầu bạn được đầy dẫy Đức Thánh Linh bằng đức tin và bởi đức tin mà thôi, điều quan trọng bạn cần phải biết là có một số yếu tố đóng góp để chuẩn bị tấm lòng của bạn cho sự đầy dẫy đó.

 

Thứ nhất, bạn phải ao ước sống một đời sống đẹp lòng Chúa. Chúng ta có lời hứa của Chúa Cứu Thế, “Phước cho kẻ đói khát sự công bình, vì sẽ được no đủ” Ma-thi-ơ 5:6).

 

Thứ hai, bạn phải sẵn sàng đầu phục và phó thác đời sống bạn cho Đấng Christ phù hợp với mạng lệnh của Đức Chúa Trời: “Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em.   2Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.” (Rô-ma 12:1-2).

 

Thứ ba, bạn phải xưng nhận mọi tội lỗi mà Đức Thánh Linh nhắc cho bạn nhớ và kinh nghiệm sự tẩy sạch cùng sự tha thứ mà Đức Chúa Trời đã hứa: “òn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.” (I Giăng 1:9).

 

Khi nào lòng bạn đã được ngay thẳng như vậy đối với Đức Chúa Trời, tôi đề nghị bạn hãy lấy đức tin cầu nguyện để được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Bạn không phải được đầy dẫy vì bạn cầu nguyện, cũng không phải vì bạn đói khát sự công bình, cũng không phải vì bạn dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, cũng không phải vì bạn đã xưng tội. Bạn được đầy dẫy tức được Đức Thánh Linh điều khiển và ban quyền năng bởi đức tin, bởi vì bạn tin cậy Đức Chúa Trời giữ lời hứa của Ngài. Lời cầu nguyện của bạn là sự biểu lộ ra bên ngoài đức tin của bạn. Nếu đây là nguyện vọng của lòng bạn, tôi xin gợi ý lời cầu nguyện sau đây:

 

“Kính lạy Cha yêu dấu, con cần đến Ngài. Con nhận biết rằng con đã tự điều khiển đời con và hậu quả là con đã phạm tội cùng Ngài. Con tạ ơn Ngài đã tha tội cho con qua sự chết của Đấng Christ trên thập tự giá vì con. Bây giờ con xin Đấng Christ kiểm soát ngai lòng của con. Xin đầy dẫy Thánh Linh của Ngài cho con như mạng lệnh của Ngài dạy con phải đầy dẫy Thánh Linh và như lời hứa của Ngài rằng Ngài sẽ ban cho con điều ấy khi con lấy đức tin cầu xin. Con cầu xin điều này trong uy danh của Chúa Jesus Christ. Và để bày tỏ đức tin của con, bây giờ con xin tạ ơn Chúa vì Ngài đã đầy dẫy Thánh Linh Ngài cho con và Ngài đang điều khiển đời con. A-men”.

 

Khi chúng ta bước đi trong sự điều khiển và trong quyền năng của Đức Thánh Linh, chúng ta sẽ trưởng thành trong đời sống Cơ Đốc và trái Thánh Linh sẽ tăng gia rõ ràng trong đời sống của chúng ta. Trái Thánh Linh này đã được Phao-lô mô tả trong thư Ga-la-ti như là: “yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhơn từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Ga-la-ti 5:22-23). Những phẩm chất này sẽ không chỉ làm thăng tiến sự phục vụ Chúa của chúng ta, nhưng cũng sẽ thẩm thấu cả đời sống của chúng ta, đồng thời giúp chúng ta càng có hiệu quả hơn trong các lãnh vực trách nhiệm khác nhau của chúng ta. Nếu bạn lấy lại ngai lòng của mình – tức trung tâm điều khiển đời sống của bạn – do phạm tội thì bạn hãy hô hấp thuộc linh. Sự hô hấp thuộc linh cũng giống như bạn hít thở là một quá trình thở ra thán khí và hít vào dưỡng khí, là một hình thức tập thể dục để giúp bạn kinh nghiệm tình yêu thương và sự tha thứ của Ngài, kinh nghiệm sự điều khiển và quyền năng của Đức Thánh Linh, như là một lối sống hằng ngày của bạn vậy.

 

Trước tiên hãy thở ra bằng cách xưng tội của bạn. Lúc bạn phạm tội, hãy thú nhận tội lỗi của bạn qua việc xưng tội với Đức Chúa Trời. Hãy nhận lãnh sự tha thứ mà Ngài sẵn lòng ban cho bạn, đồng thời hãy tin cậy Chúa để thay đổi thái độ của bạn.

 

Kế đến, hãy hít vào bằng cách nhận lãnh sự đầy dẫy Thánh Linh bằng đức tin. Hãy tin cậy Ngài điều khiển và ban quyền năng cho bạn như Ngài đã hứa. Hãy tiếp tục nắm lấy tình yêu, sự tha thứ và quyền năng của Ngài bởi đức tin và hãy tiếp tực giữ mối thông công với Ngài từng giây từng phút.

 

Điều rất rõ ràng là một người được huấn luyện giỏi và tổ chức tốt mà được Đức Thánh Linh kiểm soát và ban quyền năng sẽ nhất định có hiệu lực và kết quả hơn là cùng một người đó mà phục vụ Chúa trong năng lực của xác thịt. Thực ra, Chúa Jesus đã nhấn mạnh rõ ràng rằng, “Ngoài Ta, các ngươi chẳng làm chi được” (Giăng 15:5). Và điều chi được làm trong năng lực của xác thịt thì dù nó có vẻ bề thế, to lớn đối với loài người cũng chỉ là gỗ, cỏ khô, rơm rạ trước mặt Đức Chúa Trời mà thôi (I Cô-rinh-tô 3:12, 13).

 

Như vậy con đường duy nhất để trở thành người quản trị giỏi cho Đức Chúa Trời là sống trong sự đầy dẫy và điều khiển của Đức Thánh Linh đồng thời sử dụng tất cả các kỹ năng quản trị và huấn luyện nhằm thăng tiến chức vụ của chúng ta cho Ngài.

 

Tưởng cũng rất cần để nói ra đây rằng dù một người yêu Chúa bao nhiêu, dâng mình cho Chúa sâu xa bao nhiêu, hoặc được Đức Thánh Linh liên tục điều khiển bao nhiêu trong đời sống người đó, thì sự huấn luyện rất cần thiết để có được một đời sống làm chứng nhân có hiệu quả cho Cứu Chúa chúng ta bấy nhiêu. Nói cách khác, một người được Đức Thánh Linh điều khiển mà được huấn luyện kỹ về các kỹ năng quản trị hoặc các phương pháp, các kỹ thuật quản trị sẽ được Đức Chúa Trời sử dụng nhiều hơn là cùng một người như thế mà không được hưởng một sự huấn luyện nào cả.

 

Nếu bạn đang hô hấp thuộc linh – thở ra: xưng tội của bạn và hít vào: nhận lãnh sự đầy dẫy Đức Thánh Linh bằng đức tin – thì bạn đang là một Cơ Đốc Nhân đầy dẫy Đức Thánh Linh và khi bạn biết sử dụng các thông tin trong các phần bài học tiếp theo sau đây, thì công việc của bạn sẽ đem lại vinh hiển, tốt đẹp hơn cho Đức Chúa Trời.

 

William R. Bright

Nhà sáng lập và hội trưởng

Hội Campus Crusade For Christ 

 

 

 

 

 

1. PHẦN GIỚI THIỆU

 

 

                                                           

         BỐI CẢNH, MỤC ĐÍCH VÀ NHỮNG CHỈ DẪN

 

Tài liệu trong sách này đã được dùng để huấn luyện các Mục sư và những nhân sự cũng như các nhân viên của Hội Campus Crusade for Christ để họ trở thành những người quản trị tốt hơn về thời giờ và các nỗ lực của họ cũng như thời giờ và những nỗ lực của những người mà họ đang lãnh đạo.

 

Nội dung của sách đã được phát triển từ việc nghiên cứu Kinh Thánh, nghiên cứu các tài liệu có sẵn về quản trị, và từ kinh nghiệm đạt được qua việc áp dụng các khái niệm này vào trong Hội Campus Crusade for Christ.

 

Môn học này có các mục đích như sau:

 

1.  Trình bày cơ sở Thánh Kinh về sự quản trị

2.   Trình bày cách làm thế nào chứ không phải chỉ là các nguyên tắc.

3.   Ap dụng cách làm thế nào vào hoàn cảnh của bạn.

4.   Hợp nhất cách làm thế nào để áp dụng bài tập vàp thực tế.

 

Các phần bài học của sách này đã được sắp theo cách kế tiếp nhau. Mỗi phần bài học sau được xây dựng trên những gì đã học trong phần bài học trước. Hãy dành riêng một thời giờ rõ rệt mỗi ngày để thực hành bài học. Hãy khởi sự từ đầu và làm từng bài cách có hệ thống cho đến hết.

 

Sách này được soạn để giúp bạn xử lý tốt hơn các khía cạnh quản trị trong công việc của bạn. Điều này chỉ xảy ra được khi bạn biết áp dụng những gì bạn đã học được vào hoàn cảnh của bạn. Hãy thường xuyên tự hỏi bạn phải làm gì cụ thể một cách khác nhau theo ánh sáng những gì bạn học được. Ở những chỗ khác bạn được yêu cầu áp dụng một khái niệm rõ rệt. Đừng nhảy bỏ qua những chỗ này.

 

Bạn có thể ghi ra ý kiến của bạn trên chỗ giấy trống ở sách này.

 

 

 

 

 

VỀ CÁC TÁC GIẢ

 


BRUCE E. COOK

 

Bruce E. Cook, đồng tác giả của quyển Chức Vụ Quản Trị này, là Hội Trưởng Hội Leadership Dynamics International. Ong lãnh bằng MBA từ Trường Doanh Nghiệp Harvard và đã phục vụ trong cương vị quản trị cho các hãng A.T & T, United Airlines và Coca-cola. Ong Cook là cựu giám đốc Toàn Quốc của “Here’s Life America”.

 

 

STEPHEN B. DOUGLAS

 

Stephen B. Douglas đã tốt nghiệp bằng Cử  nhân  Khoa học  ưu hạng   trong


ngành Kỹ sư Điện tại Viện Kỹ Thuật Massachusetts năm 1967. Năm 1969, ông đã tốt nghiệp ưu hạng từ  Trường Quản Trị Doanh Nghiệp Harvard. Ong thường là diễn giả về Quản Trị và các đề tài khác, đồng thời là tác giả quyển Bạn hãy tự quản trị và Chỉ Nam về Tự Quản Trị cho Người Lãnh Đạo. Ong Steve hiện đang giữ chức Phó HỘi Trưởng đặc trách hành chánh và phụ tá Giám đốc Toàn Quốc tại Hoa Kỳ của Hội Campus Crusade for Christ.

 


HOWARD G. HENDRICKS

                                               

Tấn sĩ Howard G. Hendricks đã sáng lập Phân Khoa Cơ Đốc Giáo Dục tại Viện Thần học Dallas là nơi ông làm Giáo sư và Chủ nhiệm Phân Khoa này từ 1958. Ong đã tốt nghiệp tại Wheaton College và nhận bằng tấn sĩ Thần học ở đây. Tấn sĩ Hendricks đã được liệt vào danh sách các nhân vật quan trọng trong ngành Giáo dục Hoa Kỳ (who’s who in Americn Education). Hiện nay ông đang làm Trưởng ban Uy ban Nghiên cứu về Cơ Đốc Giá Dục, Hội Trưởng Trường Chúa nhật Toàn Quốc. Ong là tác giả một số sách và những bài báo khác


                                                                                                  

NHÌN CHUNG

 

“Vả lại, cái điều người ta trông mong nơi người quản trị là phải trung thành”

 (I Cô-rinh-tô 4:2)

 

I. QUẢN TRỊ LÀ GÌ?

           

   A. Định nghĩa:

 

Bạn có bao giờ nghe về một ông Mục sư đã ở mấy năm tại một Hội thánh nhỏ ở Maine (Hoa Kỳ) không? Ong đã giảng đạo rất tốt và các tín đồ đã yêu mến ông. Ong đã dạy các bài học Kinh Thánh, in những sách chứng đạo, lau chùi các cửa kính, đặt các sách Thánh ca vào ghế ngồi trong nhà thờ – nói chung ông đã làm tất cả mọi việc.

 

Cuối cùng ông chán nản và quyết định xin nghỉ chức vụ. Tại sao ông Mục sư này chán nản? Bởi vì ông đã tự mình làm hết mọi sự. Lẽ ra ông đã có thể sử dụng một số người trong Hội chúng để giúp đỡ ông. Nếu ông đã làm như vậy là ông đã bắt đầu nghệ thuật quản trị rồi.

 

Định nghĩa: Quản trị là làm xong được các công việc thông qua người khác.

 

Quản trị không phải là tự bạn làm hết mọi chuyện. Điều này không có nghĩa là bạn không bao giờ tự mình làm gì cả. Nhưng khi bạn tự mình làm hết mọi sự thì bạn đã không làm xong được các công việc thông qua người khác. Vì đó bạn đã không biết quản trị. Trong trường hợp của Mục sư, sự quản trị sẽ rất có lợi vì nhờ đó ông sẽ không cảm thấy chán nản nếu ông biết vận động các tín đồ trong Hội thánh giúp đỡ ông.

Hầu hết chúng ta đều thấy rằng chúng ta có một số công tác quản trị trong công việc của chúng ta, và chúng ta phải tự mình làm một số công việc. Điều quan trọng là chúng ta hiểu được sự phân biệt này.

 

Để minh họa sự khác biệt này, chúng ta hãy xem xét một công nhân đang làm theo hệ thống dây chuyền, tên anh là George. Sau khi làm việc một thời gian, anh George đã thông thạo công việc dây chuyền của mình. Mới đây anh đã được thăng chức làm người lãnh đạo – và bây giờ anh chỉ dẫn các công việc của một số các công nhân khác trên dây chuyền cũng như chính anh phải làm việc của riêng anh trong dây c huyềnsản xuất. Bây giờ George có trách nhiệm giải quyết các cuộc tranh cãi giữa các công nhân, hình dung ra ai phải được giao việc gì, động viên các công nhân ráng sức làm những việc cấp bách dù phải nán lại ít lâu v.v…Bối cảnh của anh vốn là một người công nhân dây chuyền thật giỏi nhưng chưa được chuẩn bị thật tốt trong những lãnh vực trách nhiệm mới mẻ này. Bây giờ anh George cần học biết cách để khiến cho công việc được hoàn thành thông qua người khác – nghĩa là nghệ thuật quản trị.

 

 

 

Có lẽ bạn cũng đang thấy mình ở trong hoàn cảnh tương tự như của anh George. Ít ra một phần công việc của bạn là làm xong công việc thông qua việc điều động người khác – tức là Quản trị.

   

B.Những quan niệm sai lầm:

 

Bây giờ, có lẽ bạn đang toát mồ hôi lạnh khi bạn suy nghĩ rằng mình đang là một nhà Quản trị. Bạn sợ rằng bạn mất hết hy vọng có được các mối quan hệ cá nhân với người khác, bạn sẽ được đặt ngồi sau bàn giấy, bạn sẽ trở thành một “người đẩy bút chì” (ngồi chỉ tay năm ngón).

 

Nếu bạn muốn làm tốt công tác quản trị của bạn thì bạn không thể để chuyện ấy xảy ra. Bạn phải làm gương cho những người dưới quyền của bạn. Thông thường bạn phải đích thân biểu diễn cho họ xem cách làm một số công việc nào đó mà họ phải làm. Bạn phải học biết cách xử lý với người khác cách có hiệu quả bởi vì bạn có trách nhiệm làm xong công việc thông qua người khác.

 

Một nỗi sợ khác mà bạn có lẽ đang có là bây giờ bạn phải trở thành một người họp hành mềm yếu của Uy ban. Bạn sợ bạn sẽ ngồi hết từ buổi họp này đến buổi họp khác để cố gắng đạt đến sự thống nhất ý kiến. Nhưng hãy nhớ rằng, một người quản trị có trách nhiệm phải làm cho công việc đi đến hoàn thành. Ông phải là người năng động, sẵn sàng đi vào hiện trường và đảm đang trọng trách, nếu điều đó là cần thiết. Bạn có nghĩ rằng Chúa Jesus đã lên thành Giê-ru-sa-lem lần chót trước khi Ngài chịu chết nếu Ngài đã dựa vào lá phiếu tín nhiệm của các môn đồ để đưa đến quyết định cho Ngài không? Có lẽ không. Ngài đã lãnh đạo họ, Ngài dẫn họ đi.

 

II.  TẠI SAO CÁC CƠ ĐỐC NHÂN CẦN HỌC CÁCH QUẢN TRỊ CHO TỐT?

     

  A. Các Cơ Đốc Nhân phải học cách quản trị cho tốt vì họ phải là những người quản trị giỏi.

 

Hãy đọc Ma-thi-ơ 25: 14-30. Thí dụ này nói về một ông chủ sắp thực hiện một chuyến đi xa. Ông để lại cho ba người đầy tớ của ông, người năm ta lâng, người hai ta lâng vàngười một ta lâng, tùy theo khả năng từng người. [ Mỗi ta lâng tương đương với 1.000 đo la Mỹ]. Người đầy tớ nhận 5 ta lâng và 2 ta lâng đã làm lợi được gấp đôi lúc ông chủ trở về. Tùy theo khả năng của mỗi người, ông chủ đã ban thưởng cho họ. Người đầy tớ còn lại đã chôn cất một ta lâng của anh. Ông chủ đã hình phạt người đầy tớ này vì đã không khôn ngoan trong việc sử dụng tiền bạc.

 

Vấn đề là ở đâu? Chúa Jesus dạy chúng ta rằng chúng ta phải đầu tư cách khôn ngoan những gì Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta. Đức Chúa Trời đã ban gì cho chúng ta? Ngài đã ban cho chúng ta thời gian, sự giáo dục, kinh nghiệm và tài năng thiên nhiên, sự giàu có và các của cải khác. Thí dụ này cho chúng ta biết rằng Ngài sẽ ban thưởng cho chúng ta tùy theo cách chúng ta đầu tư những điều này một cách khôn ngoan.

 

Hãy nhớ rằng Chúa Jesus đã kể thí dụ này vào giai đoạn cuối chức vụ trên đất của Ngài. Bạn nghĩ vào một thời điểm như thế Chúa Jesus đang nhấn mạnh đến những chân lý quan trọng hay không quan trọng? Rõ ràng Ngài đã nhấn mạnh đến những chân lý quan trọng. Vì vậy, điều quan trọng là các Cơ Đốc Nhân phải là những Nhà Quản Trị giỏi.

Bạn có những người mà bạn phải quản trị. Chúa qui trách nhiệm cho ai về hiệu quả công việc của những người đó? Chác chắn mỗi người trong số họ đều có trách nhiệm, nhưng theo mức độ bạn quyết định cách họ đầu tư thời giờ và tài năng như thế nào, thì bạn lại là người có trọng trách. Bạn phải sử dụng họ một cách có hiệu quả. Bạn phải học cách quản trị cho thật giỏi.

 

B.  Các Cơ Đốc Nhân phải học cách quản trị cho giỏi vì trong Kinh Thánh chúng ta có gương mẫu của những người được Đức Chúa Trời ban phước, đã rất giỏi trong việc hoàn thành công việc qua những người khác.

 

1.Giô-sép

 

Giô-sép là một gương mẫu hơi kỳ lạ. Do sự ghen tị, các anh của Giô-sép đã bán ông làm nô lệ. Ông đến tại Ai-cập và sau cùng ở tại nhà của Phô-ti-pha, một viên chức của Pha-ra-ôn, vua Ai Cập. Trong Sáng-thế-ký  39:2-9, chúng ta thấy Giô-sép đã thành công và đã được cất nhắc lên làm người quản trị cả dinh cơ của quan Phô-ti-pha đến nỗi Phô-ti-pha không còn lo ngại gì về tài quản trị của Giô-sép nữa.

 

Nhưng vì không chịu phạm tội với vợ của Phô-ti-pha, nên Giô-sép bị vu cáo và bị bỏ tù. Ở đó, Chúa ban cho ông có thể giải nghĩa điềm chiêm bao cho Pha-ra-ôn trong đó nói trước về việc Ai Cập sẽ bị bảy năm đói kém sau khi có bảy năm được mùa. Kết quả là Pha-ra-ôn đã giao cho Giô-sép quản trị mọi sự ở tại Ai Cập. (Lúc đó Giô-sép mới 30 tuổi).

 

Rồi Giô-sép đã tiến hành xây dựng những dự án về kho lương thực lớn nhất mà thế giới biết được qua nhiều thế kỷ. Ong đã xây những  kho chứa, vận chuyển thóc gạo, quyết định biện pháp bảo quản lương thực. Ong cũng cho theo dõi mỗi người nông dân ở Ai Cập phải nộp 20% mức thu hoạch hằng năm cho triều đình. Hãy hình dung xem những vấn đề  của dân chúng lớn lao bề bộn biết là bao nhiêu. Hãy hình dung một bác nông phu Ai Cập chở lương thực trên con vật của mình, vừa đi đến nhà kho vừa lằm bằm, thắc mắc không hiểu sao cái ông Tể Tướng người Hê-bê-rơ này lại cứ lo chất chứa thêm nhiều lương thực nữa trong khi mọi người có ý thức đều biết rằng đã có quá nhiều lương thực tồn kho đủ nuôi toàn xứ Ai Cập trong nhiều năm rồi.

 

Điểm quan trọng ở đây là Giô-sép đã hoàn thành công việc thông qua người khác. Ông phải làm thật tốt côngtác tồn trữ lương thực và ông đã làm tốt công tác đó (Sáng-thế-ký 41:49).

 

     2. Đa-ni-ên:

 

Đa-ni-ên là một gương mẫu tương tự. Ông khởi đầu như một thanh niên từ Giu-đa bị bắt làm phu tù, và ông đã lên tới đỉnh cao. Trong Đa-ni-ên 6:1-5, chúng ta thấy Đa-ni-ên không chỉ được liệt vào hàng ba vị thượng quan cao cấp nhất của triều đình mà ông còn được chỉ định đứng đầu cả hai vị kia nữa. Hãy xem thành quả của Đa-ni-ên:

“Vả, Đa-ni-ên lại trổi hơn hai quan thượng thơ kia và các quan trấn thủ, vì người có linh tánh tốt lành; thì vua định lập người trên cả nước.

  4Các quan thượng thơ và trấn thủ bèn tìm cớ kiện Đa-ni-ên về việc nước; nhưng họ không thể tìm được một cớ nào, hay một sự xấu nào của người, bởi người là trung thành, trong người chẳng có điều lỗi và cũng chẳng có sự xấu.   ” (Đa-ni-ên 6:3-4).

Trong Đa-ni-ên 6:28, chúng ta thấy: “Đa-ni-ên cứ được thạnh vượng như vậy trong đời vua Đa-ri-út và vua Si-ru là người Phe-rơ-sơ.”

 

                 3.  Phao-lô:

                       

Phao-lô đã sử dụng những người như Ti-mô-thê để tiếp tục ông việc mà ông đã bắt đầu.

“Vì cớ đó, tôi đã sai Ti-mô-thê, là con yêu dấu của tôi, cùng là trung thành trong Chúa, đến cùng anh em; người sẽ nhắc lại cho anh em biết đường lối tôi trong Đấng Christ, và tôi dạy dỗ cách nào trong các Hội thánh khắp các nơi.” (I Cô-rinh-tô 4:17)

“Ta nay nhắc lại mạng lịnh mà ta đã truyền cho con, khi ta đi sang xứ Ma-xê-đoan, con phải ở lại Ê-phê-sô, để răn bảo những người kia đừng truyền dạy một đạo giáo khác,” (I Ti-mô-thê 1:3)

 

 C.Thêm vào những gương mẫu nói trên, phần cơ sở KinhThánh cho các khái  niệm của bài học này sẽ được khai triển ở các phần sau.

 

      D. Tóm lược

 

Cơ Đốc Nhân phải là những nhà quản trị giỏi. Họ phải làm việc có hiệu quả và có năng suất cao. Giống như các vĩ nhân trong Kinh Thánh đã nêu gương, mạng lịnh này bao gồm cả việc quản trị những người khác một cách có hiệu quả và có năng suất cao.

 

Các kỹ năng quản trị lànhững công cụ. Nếu những công cụ này được những người tin cậy Chúa và nhạy bén với Đức Thánh Linh sử dụng thì chúng sẽ giúp người đó phục vụ và tôn vinh Chúa cách tốt hơn. “Hãy làm tất cả vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 10:31)

Hình

NHỮNG KỸ NĂNG QUẢN TRỊ LÀ NHỮNG CÔNG CỤ

 

III.  TIẾN TRÌNH QUẢN TRỊ LÀ GÌ?

           

            Ở phần đầu bài học này chúng ta đã phân biệt giữa việc quản trị người khác làm việc và tự chính bạn làm việc. Bài học này chủ yếu dạy cách làm thế nào để có hiệu quả hơn trong việc quản trị người khác. Tuy nhiên, có một phần bài học – BẠN HÃY TỰ QUẢN TRỊ – để giúp bạn cách làm thế nào để tự quản trị tốt hơn trong công việc do bạn trực tiếp làm (Phần này sẽ học sau).

           

Có bốn khía cạnh hay bốn bước chính để quản trị người khác:

           

     A. LẬP KẾ HOẠCH

 

Hãy quyết định một loạt các hành động

 

   B. TỔ CHỨC

 

Đặt người vào một cơ cấu tổ chức để thực hành những mục tiêu đã định

 

  C. LÃNH ĐẠO

 

Khiến người ta thực hành cách có hiệu quả

 

  D.KIỂM TRA

 

Bảo đảm cho sự thực hiện phù hợp với kế hoạch

 

Một nhà quản trị giỏi đều thực hiện thật giỏi bốn bước nói trên. Những bước này xảy ra liên tiếp nhau. Khi bạn được giao cho một nhiệm vụ để làm thì trước hết bạn phải hoạch định kế hoạch, rồi bạn tổ chức người khác để hoàn thành kế hoạch, tiếp theo bạn lãnh đạo họ thực hành kế hoạch và rồi bạn kiểm tra để chắc chắn rằng kế hoạch đã được hoàn thành.

 

Bây giờ để có cái nhìn tổng quát, chúng ta hãy suy nghĩ qua tính hợp lý của những bước này.

 

Tại sao phải lập kế hoạch? Nếu bạn không biết mình sẽ đi đến đâu thì thật là khó để tổ chức người ta và lãnh đạo họ theo hướng đi đúng. Hãy thử vẽ ra tấm hình bạn đang đứng trước một nhóm người cùng làm việc với bạn và bạn đang nói với họ: “Tôi không biết chúng ta đang cố gắng làm gì, cũng không biết chúng ta sẽ làm như thế nào, nhưng chúng ta hãy cứ cật lực làm việc đi.” Bạn nghĩ sao về tấm hình đó?!!

 

Tại sao phải tổ chức? Việc gì xảy ra khi một người nào đó ném một viên đá vào một bầy chim? Chúng nó sẽ bay tán loạn khắp các hướng. Nếu bạn trao một kế hoạch cho một nhóm người và không bảo đảm rằng mỗi người biết rõ phần việc mình làm, thì họ cũng sẽ tan lạc mỗi người một hướng, mang theo một yếu tố nào đó của kế hoạch. Bạn sẽ không biết chắc mọi phần của kế hoạch đó có được thực hiện hay không.

 

Tại sao cần có lãnh đạo? Kế hoạch tốt nhất và sự tổ chức tốt nhất có lẽ sẽ chẳng khác nào một chiếc hỏa tiễn nằm trên giàn phóng mà không được khai hỏa trừ khi những người liên hệ được vận động để thực hiện công tác phóng hỏa tiễn. Hầu hết mọi người đều đề kháng sự đổi thay. Nếu bạn muốn một người nào đó làm một điều gì mới, bạn phải ciến thắng được sự đề kháng này. Đó là điều liên hệ trong sự lãnh đạo.

 

Tại sao phải kiểm tra? Ngay cả có một kế hoạch tốt, một sự tổ chức tốt và sự lãnh đạo có hiệu quả, bạn vẫn có thể mất điểm nếu bạn không tìm kiếm nó.

 

Trong môn tennis (và nhiều môn thể thao khác), đấu thủ được chỉ dẫn phải để mắt thật chăm chú đến trái banh. Tại sao vậy? Để người ấy có thể chắc chắn đưa cây vợt đúng trái banh và đánh ngược lại bên phần sân đối phương. Cho đến khi bạn biết mình còn bao lâu nữa để đạt đến việc hoàn thành kế hoạch, bạn không thể biết bạn có nên thay đổi điều gì hay không để hướng dẫn các hành động của bạn.

 

Bạn có thể khám phá ra rằng những bước này trải qua một giai đoạn thời gian và vì đó, nó có thể gối lên nhau. Bạn không phải chỉ lãnh đạo một người nào đó một lần là đủ cả. Bạn lãnh đạo người đó một cách liên tục tốt đẹp trải qua một giai đoạn thời gian. Vì vậy, bạn đừng ngạcnhiên nếu trong bất cứ một tuần lễ nào đó bạn vẫn còn gạn lọc lại một yếu tố nào đó của kế hoạch, làm việc với một người nào đó về cách nào để người ấy thích hợp với sự tổ chức, động viên một người khác và kiểm tra toàn bộ tiến trình cho kịp thời gian.

 

Bốn phần kế tiếp của môn học này sẽ giải thích thêm về những khía cạnh của việc quản trị người khác.

 

 

Các bài khác :: Tại sao những lãnh đạo Cơ Đốc giáo rớt như ruồi?
:: Hướng về quê hương phục vụ
:: Của lễ trăm năm
:: Sự cần thiết của một nền văn hóa Cơ Đốc trong Xã Hội Việt Nam hiện đại
:: Lịch sử Hội Thánh - Sự hư hoại trong cách cai trị giáo hội

Liên hệ

Hội Thánh Baptist Công Bình 380/383 Phạm văn Hai P.5 Q. TB. TPHCM (ĐT: 38454061) Giờ nhóm CN: Sáng 8 giờ Chiều 6 giờ 30. Quản nhiệm Hội Thánh MS. Nguyễn Quốc Thịnh. ĐT: 38454061. Chủ nhiệm Mục vụ: MS. Nguyễn Quốc Dũng. ĐTDĐ 0938615997



Câu gốc hôm nay

“Vì vậy, Ngài phán rằng sẽ diệt chúng nó đi; Nhưng Môi-se, là kẻ Ngài chọn, đứng nơi triệt hạ trước mặt Ngài, đặng can gián cơn giận Ngài, e Ngài hủy diệt họ chăng.”. Thi Thiên 106: 23.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


» gửi email cho chúng tôi » xem thêm các hình ảnh khác » gửi câu hỏi cho chúng tôi