Bí quyết tăng trưởng Hội Thánh

 

Bí Quyết Tăng Trưởng Hội Thánh

                         

                 Cơ Ðốc Giáo đã đến Ðại Hàn hơn 100 năm và Cơn Phấn Hưng tại Pyongyang vào năm 1907 đã kiến tạo một làn sóng phát triển ngoạn mục và là tiêu biểu linh động cho Hội Thánh Tăng Trưởng toàn cầu qua nhiều lãnh vực.  Tạp Chí Thần Học Theological Journal of KIMCHI, Vol. 1 (2009) tường trình rằng Nam Hàn hiện có 12.2 triệu tín đồ Tin Lành với 40,000 Hội thánh.  Hơn 60 phần trăm Quân Nhân Nam Hàn là tín đồ Tin Lành và 1,000 Nhà Nguyện (Chapel) để đáp ứng nhu cầu thờ phượng cho Quân Nhân Nam Hàn.  Nam Hàn có khoảng 270 Trường Kinh Thánh và Ðại Chủng Viện hằng năm đào tạo ra chừng 7,000 Sinh viên Thần học.  Hội thánh Nam Hàn vẫn phát triển về nhiều lãnh vực chính là do các yếu tố sau đây: 1) Tín đồ Nam Hàn ham mến học lời Chúa; 2) Tín đồ Nam Hàn có lòng nóng cháy và sáng tạo về chứng đạo và truyền giáo; 3) Tín đồ Nam Hàn có tấm lòng dâng hiến rất hi sinh cho việc xây dựng Hội thánh địa phương và công cuộc truyền giáo; 4) Tín đồ Nam Hàn có lối sống cầu nguyện hăng say và sôi động tâm linh; 5) Tiến sĩ Chongnahm Cho nói rằng thập niên 1970 là thời gian các Hội thánh Nam Hàn bắt đầu đẩy mạnh “Phong trào Núi Cầu Nguyện”(Prayer Mountain Movement).  Nam Hàn có hơn 500 Núi Cầu Nguyện (Prayer Mountain) dùng để nhóm cầu nguyện và huấn luyện tâm linh cho tín hữu và lãnh đạo Hội thánh.  Chính những Núi cầu nguyện này là phương tiện thuận lợi cho công tác tăng trưởng thuộc linh cho các tín hữu và Hội thánh.  Hãy cùng nhau suy gẫm và tìm hiểu vài nguyên tắc tăng trưởng Hội thánh sau đây:

 

 

 

1.     Các Chiến Sĩ Cầu Nguyện Cho Mục Sư và Hội Thánh

(Prayer Warriors For The Pastors and Congregation)

            Hội Thánh Tin Lành lớn Nhất tại Canada với gần 7,000 tín hữu hiện nay chính là Hội Thánh Tin Lành Centre Street Church tại Thành Phố Calgary, Tỉnh Bang Alberta, Canada.  Nhân dịp Kỷ Niệm 50 Năm Thành Lập Hội Thánh, Hội Thánh Centre Street đã phát hành tờ Báo có đăng một loạt bài viết về tiểu sử và bí quyết để giúp Hội Thánh tăng trưởng một cách ngoạn mục từ 84 tín hữu năm 1958 lên gần 7,000 tín hữu năm 2010, và ngân quỹ điều hành hằng năm tăng từ $8,147 năm 1958 tăng lên $8,980,503 năm 2008.  Hội thánh Centre Street Church thuộc Hệ phái Tin Lành thuần túy Evangelical Missionary Church có tín lý rất gần Hệ phái Báp-tít và Tin Lành CMA.

            Mục Sư Quản Nhiệm đầu tiên của Hội Thánh Centre Street vào năm 1958 là Mục Sư Fred Snyder.  Mục Sư Snyder là người có tâm tình nhấn mạnh về mục vụ cầu nguyện qua các buổi nhóm Học Kinh Thánh và buổi cầu nguyện có tên là “The Hour of Power” mượn từ này Mục Sư Robert Schuller của Nhà Thờ Crystal Cathedral ở Anaheim, California, Hoa Kỳ.  Nhưng sau một thời gian hầu việc Chúa, Mục Sư Snyder bị chứng bệnh ung thư và cả Hội Thánh đã quỳ gối cầu nguyện cho ông.  Nhưng sau đó ông đã qua đời vào tháng 12, năm 1969 thọ 54 tuổi.  Hai vị Mục Sư kế tiếp là Mục Sư Art Hein và Mục Sư John Kaiser từ năm 1972 đến 1986.

            Năm 1986, khi mới 32 tuổi Mục Sư Tiến Sĩ Henry Schorr được mời làm Mục Sư quản nhiệm Hội Thánh Centre Street.  Với tài năng, ân tứ Chúa ban, tâm tình siêng năng phục vụ và lòng trung tín, Chúa đã ban phước cho Hội Thánh phát triển khoảng 20 phần trăm tăng trưởng mỗi năm trong vòng 8 năm liên tục.  Hội Thánh đã xây dựng Thánh Ðường 1,100 chỗ ngồi vào năm 1995.  Nhưng trong vòng hai năm sau, Chúa đã ban cho Hội Thánh phát triển 40 phần trăm; do đó Hội Thánh phải tổ chức 5 buổi nhóm thờ phượng Chúa vào mỗi cuối tuần.  Nhìn thấy nhu cầu Hội Thánh phát triển nhanh chóng, Ban Lãnh Ðạo Hội Thánh đã quyết định xây dựng một Thánh Ðường với 2,400 chỗ ngồi trên một khu 16 mẫu đất.  Trong thời này 2001, gia đình của chúng tôi có dịp đi nhóm thờ phượng Chúa và tham gia vào Nhóm hàng trăm Chiến sĩ Cầu nguyện cho Mục Sư Henry Schorr tại Hội Thánh Centre Street này trọn một năm trong khi chuẩn sang Southwestern Baptist Theological Seminary tai Fort Worth, Texas, Hoa Kỳ để theo học Chương Trình Tiến Sĩ Giáo Dục.

            Tại sao Hội Thánh Centre Street này lại phát triển rất ngoạn mục dưới sự lãnh đạo của một Mục Sư trẻ 32 tuổi?  Hội Thánh này đã được Chúa rèn luyện qua nhiều thử thách, nhưng họ đã bằng lòng thuận phục thánh ý của Ngài và bằng lòng đặt trọn lòng tin cậy nơi Ngài qua tấm lòng tìm kiếm quyền năng của Chúa Thánh Linh qua sự cầu nguyện.  Qua bài tiểu sử của Hội Thánh Centre Street, chúng ta có thể suy gẫm những bài học thành công như sau:

 

1)      Năm 1988, Mục Sư Henry Schorr bị mắc bệnh ung thư.  Bởi vì Hội Thánh lo sợ lại s ẽ bị mất đi một Mục Sư, nên họ đã kêu gọi tất cả con cái Chúa đến nhà thờ để nài xin Chúa chữa lành bệnh cho Mục Sư Henry.  Nhiều tín hữu đã đến ngồi chật cả Thánh Ðường cầu nguyện và Chúa đã làm phép lạ chữa lành bệnh ung thư cho Mục Sư Henry.  Khi nhìn thấy phép lạ đã xảy ra qua sự dốc đỗ cầu nguyện của nhiều con dân Chúa trong Hội Thánh, trong một bài giảng Mục Sư Henry đã kêu gọi 100 Chiến sĩ cầu thay cho chức vụ của ông.  Cảm tạ Chúa đã cho có 100 tín hữu đã hưởng ứng và họ được chia thành 4 nhóm và mỗi nhóm gồm 25 Chiến Sĩ Cầu Nguyện thay phiên nhau đến nhà thờ lúc 8:30 sáng mỗi tháng một lần để cầu nguyện cho Bài Giảng và Chức vụ của Mục Sư Henry.  Vào năm 2001 này, tôi cũng được vinh hạnh tham gia vào Nhóm hàng trăm Chiến sĩ cầu thay cho Mục sư Henry. 

 

Khi hội Thánh nhận thức trân trọng quan tâm cầu nguyện cho chức vụ của Mục Sư và chân

      thành thương yêu gia đình của Mục Sư thì sẽ được Chúa ban phước cho Hội Thánh lớn mạnh.  

      Mối quan tâm và lòng thương yêu chân thành của tín hữu đối với các đầy tớ Chúa đồng nghĩa

      với mối thông công ở trong tình yêu của Chúa Cứu Thế Giê-su qua ân điển của Ngài.  Ý nghĩa

      “Thông công Cơ đốc – Christian fellowship” theo quan điểm Thánh Kinh là vấn đề

      hiệp thông ở trong tình yêu và phụng sự trong nhà Chúa.  Vâng, sự thông công Cơ đốc bao

      gồm bốn ý nghĩa sâu nhiệm như:

 

            A) Thông công ở trong Chúa phải có đồng những điểm giống nhau, chia sẻ các quan điểm

                  giống nhau (speaking the same thing); 

B) Sự thông công theo Thánh Kinh phải kết hợp và hòa hợp cách trọn vẹn với nhau trong  

     tình yêu Thiên Chúa (Being perfectly joined together in the agape love of God); 

C) Sự thông công trong niềm tin Cơ đốc cần phải có đồng một tâm tình như Chúa Cứu Thế

     (Having the same mind) - (Phi-líp 2:1-8); 

            D) Sự thông công trong Chúa phải có cùng một óc phán đoán và tâm quyết chung (Having

                 the same judgment).

 

2)      Chúa đã kêu gọi Mục Sư Ken Anquist làm Mục Sư chuyên về Mục Vụ Cầu Nguyện cho Hội Thánh.  Mục Sư Ken là một Bác sĩ Y Khoa đã về hưu trí và vui lòng nhận chức vụ cao quý và đầy quyền năng này.

      Hội Thánh Chúa thật phước hạnh khi kinh nghiện được nhiều phép lạ và xung đột được giải

      quyết theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh nếu mỗi Hội Thánh Việt Nam chúng ta có từ

      10 đến 20 hay hàng trăm Chiến Sĩ Cầu Thay và mời một Mục Sư chuyên lo thánh vụ cầu thay

      cho Mục Sư và Hội Thánh. 

 

3)      Hội Thánh Centre Street là một Hội Thánh Cầu Nguyện bởi vì họ tổ chức nhiều mục vụ cầu

thay khác nhau như:  1) Nhà Nguyện Cầu Nguyện (Prayer Chapel) - bất cứ ai có thể đến cầu nguyện cho mọi nhu cầu; 2) Mâm Cầu Nguyện (Prayer Bowl) - mọi người có thể ghi vấn đề cầu nguyện và bỏ vào mâm cầu thay này; 3) Cầu Nguyện Dưỡng Linh (Prayer Retreats) - mỗi năm Hội Thánh tổ chức 2 buổi huấn luyện cầu thay cho tín hữu và mỗi buổi khoảng 24 giờ do diễn giả và lãnh đạo nhóm ca ngợi thờ phượng; 4) Tuần Lễ Cầu nguyện (Week of Prayer) - Nhấn mạnh cầu nguyện trong tuần lễ thánh trước Lễ Phục Sinh một tuần lễ; 5) Cầu Nguyện Tái Xác Nhận (Altar Prayer) – vào mỗi Buổi Thờ Phượng và Bài Giảng của Mục Sư có một số tín hữu ti ến l ên đ ể xin được cầu nguyện tái xác nhận niềm tin hay các nhu cầu tâm linh khác; 6) Cầu Nguyện Qua Email (ePrayer) - Một nhóm gồm 35 Chiến Sĩ Cầu Thay nhận các vấn đề cầu thay qua email để cầu nguyện cho tín hữu; 7) Nhóm Cầu Nguyện Sáng Chúa Nhật (Sunday Morning Prayer Group) – Trong giữa thời gian các xuất Nhóm Sáng Chúa Nhật, Mục Sư Henry và các Chiến Sĩ Cầu Thay thường cầu nguyện cho các nhu cầu trong Mâm Cầu Nguyện; 8) Cầu Nguyện Xức Dầu (Anointing Prayer) - Mục vụ cầu nguyện xức dầu dựa theo câu Kinh Thánh trong sách Gia-cơ 5:14-15 “Có ai trong anh chị em yếu đau, hãy mời các trưởng lão của Hội Thánh đến, để họ nhân danh Chúa xức dầu rồi cầu nguyện cho mình.  Lời cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu chữa người bệnh; Chúa sẽ đỡ người ấy dậy.  Nếu người bệnh phạm tội cũng sẽ được tha”; 9) Cầu Nguyện Chữa Lành (Spirtual Healing Prayer) - một nhóm vài người cầu nguyện cho một người có nhu cầu tổn thương về tâm linh hay tình cảm; 10) Vòng Cầu Nguyện (Prayer Chain) - Ðây là nhóm Chiến Sĩ Cầu Thay bao gồm những Phụ Nữ Cao Niên.  Họ chính là công cụ “quyền năng Ðức Chúa Trời để phá hủy các thành lũy, đánh đổ các lý luận” (2 Côrinhtô 10:4).

 

4) Chức vụ của Mục Sư chỉ được thành công và quy vinh hiển cho Danh của Chúa khi các con dân Chúa ý thức được mối quan tâm cầu thay cho Mục Sư của mình như sau:

 

  1. 1. Xin Chúa ban cho Mục Sư “mạnh mẽ trong Chúa và trong sức mạnh quyền năng của Ngài” (Êphêsô/Eph. 6:10).

 

 

  1. Xin Chúa ban cho Mục Sư “sự khôn ngoan” và “kiến thức của người sẽ gia tăng” (Châm ngôn/Prov. 9:10,9).

 

  1. Xin Chúa ban cho Mục Sư “có thể đứng vững chống cự lại các mưu kế của quỷ vương” (Êphêsô/Eph. 6:11).

 

  1. Xin Chúa làm tươi mới Mục Sư mỗi ngày trong đời sống thánh khiết.  Xin giữ gìn Mục Sư không mệt nhọc, và công sức phục vụ Chúa không vô ích (I-sa/Isa. 40:31; 1 Phê-rơ/1 Peter 1:16; 1 Côrinhtô/1 Cor. 15:58).

 

  1. Xin Chúa sai thiên sứ coi sóc và bảo vệ Mục Sư và gia đình trong mọi đường lối (Thánh thi/Ps. 91:10,11).

 

  1. Xin Chúa ban cho Mục Sư có những người đầy dẫy đức tin và có ơn khải đạo để hướng linh cho Mục Sư (1 Phê-rơ/1 Peter 5:5; Gia-cơ/James 5:16).

 

  1. Xin Chúa ban cho Mục Sư thời gian nghiên cứu lời Ngài, mở mắt và tấm lòng đón nhận sự khôn ngoan và kiến thức nhằm giúp Mục sư không thỏa hiệp với các tín lý sai lạc Thánh Kinh (Êphêsô/Eph 1:18).

 

  1. Xin Chúa giữ gìn Mục sư “vâng phục chân lý” hầu “yêu thương anh chị em một cách chân thật” (1 Phê-rơ/1 Peter 1:22).

 

  1. Xin Chúa ban cho lời giảng dạy của Mục sư được xức dầu bởi quyền năng của Ðức Thánh Linh, nhằm mang lại nhiều linh hồn nhận biết ơn cứu rỗi của Ngài (Giăng/John 15:16).

 

  1. Xin Chúa ban cho Mục sư khải tượng can đảm để lãnh đạo bầy chiên chia xẻ Phúc Âm cho cộng đồng (I-sa/Isa. 40:11).

 

  1. Xin Chúa ban cho Mục sư và Hội thánh luôn hi vọng giữa cơn thử thách và thế giới tội lỗi này hầu mang Ánh Sáng cho thế giới (Công vụ/Acts 13:47; Giăng/John 8:12).

 

  1. Cảm ơn Chúa đã ban các ân tứ khôn ngoan và sự hiểu biết thuộc linh cho Hội thánh.  Xin Chúa dấy lên một đội quân chiến sĩ cầu thay trong Hội thánh để nâng đỡ và cầu thay cho Mục sư (Gia-cơ/James 5:16b).                                                                  (Trích dịch tcmalliance.ca)

 

 

2.     Chiến Lược Truyền Bá Tin Lành Nơi Công Sở và Thương Trường

(Strategy of  Evangelism in Workplace and Business Marketplace)

 

 

            Năm 1998, George Barna, Học giả nỗi tiếng về Hội Thánh, Cộng Ðồng và lãnh đạo, đã thăm dò dư luận về vấn đề niềm tin của người dân Mỹ qua câu hỏi: “Do you believe in God? Bạn có tin vào Thượng Ðế không?”  Có 93 phần trăm trả lời là có tin vào Thượng Ðế.  Nhưng khi phân tích ra theo từng nhóm người khác nhau, kết quả cho thấy rằng: 90 phần trăm quân nhân Mỹ tin có Ðức Chúa Trời, 70 phần trăm Thương gia tin có Ðức Chúa Trời, 50 phần trăm Chính trị gia tin có Ðức Chúa Trời, 3 phần trăm giới Nghệ Sĩ và Tài Tử Ðiện Ảnh (Art and Entertainment), và 2 phần trăm Giới Truyến Thông (Media).  Ðiều đáng khích kệ là nhóm Quân nhân, Thương gia, và Chính trị gia có đặt lòng tin nơi Thiên Chúa.  Muốn kiến tạo một chiến lược rao giảng Tin Lành hiệu quả, Hội thánh Chúa cần nghiên cứu và học hỏi những phương hướng mới từ các Cơ Quan Truyền Giáo và Hội thánh đang phát triển nhưng phải phù hợp văn hóa của người Việt Nam và nguyên tắc của Thánh Kinh. 

 

 

            Hiện nay, thế giới có khoảng hơn 4,000 Cơ Quan Truyền Giáo đang hỗ trợ cho 250,000 Giáo sĩ truyền giáo trên 200 quốc gia.  Các Cơ Quan Truyền Giáo tại Hoa Kỳ đã gởi trên 2,000 Giáo sĩ May Trại “Tentmakers” các nước trên thế giới qua sự bảo trợ của các Ðại Công Ty.  Chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều Cơ Quan Truyền Giáo sẽ thay đổi chiến lược bằng cách trang bị và huấn luyện các Thương Gia cho cánh đồng truyền giáo có nhiều luật lệ khó khăn như các nước Hồi Giáo và Vô thần.  Ðiển hình, một Thương Gia mở một Hãng Xưởng và thu nhận hằng trăm nhân viên.  Sau một thời gian làm việc cho Công ty này, một số người đã mở lòng tin nhận Chúa và Hội thánh được thành lập. 

 

 

            Trong quyển sách “Anointed for Business”, Tác giả Ed Silvoso đã đưa ra bốn nhóm tín hữu đang sống đạo trong các Hội thánh Chúa.  Nhóm tín hữu thứ nhất là cố gắng để tồn tại.  Nhóm tín hữu thứ hai là sống đạo theo các nguyên tắc Cơ đốc.  Nhóm tín hữu thứ ba là sống bởi quyền năng của Ðức Thánh Linh.  Nhóm tín hữu thứ tư là dùng đời sống đạo của mình để làm chứng nhân của tình yêu cho Chúa Cứu Thế hầu đưa dẫn nhiều người tin nhận Ngài.  Hội thánh và con dân Chúa cần nhận thức rằng nơi công sở và thương trường là cánh đồng truyền giáo đầy năng động.  Hội thánh có thể phát triển nếu con dân Chúa biết tận dụng mọi cơ hội để sống đạo và giảng đạo nơi công sở, thương trường hay học đường.  Tại thành phố Toronto, Canada, ông Brad Farkas luôn tạo mọi cơ hội để chia sẻ sứ điệp Tin Lành Cứu Rỗi cho các hành khách trên xe bus.  Là Tài xế xe bus cho thành phố Toronto hơn 18 năm, ông Brad dùng những tin tức báo chí và biến cố xảy ra của địa phương để dẫn đến vấn đề niềm tin và ý nghĩa của đời sống.  Ông Brad có lần đặt câu hỏi với một hành khách trên xe bus như: “Bạn có suy nghĩ rằng thành phố này cần có một sự phấn hưng tâm linh không sau vụ bắt giết nhau trên đường phố?”  Tại Nam Hàn, ông Ban vừa là tài xế lái xe Taxi và cũng là Giám đốc của Hội Tài xế Taxi Phát Thanh Tin Lành Viễn Ðông (Cơ Quan the Far East Broadcasting Missionary Taxi Club).  Ông Ban lãnh đạo 450 tài xế nhóm họp thờ phượng chung nhau và bàn thảo về phương cách chia sẻ Phúc Âm cho các hành khách trong suốt 25 năm qua.  Mỗi Tài xế Taxi đều có trang bị Ðài Phát Thanh Tin Lành Viễn Ðông FM station và mở lên cho hành khách nghe và gợi lên những câu chuyện về tâm linh.  Khi cảm thấy hành khách thích thú nghe về các vấn đề tâm linh, thì tài xế sẽ chia sẻ Phúc Âm và mời họ mở lòng tin nhận Chúa.  Qua chiến lược rao giảng Tin Lành trong khi lái xe Taxi, 450 Tài xế này đã đem nhiều người đến với Chúa Cứu Thế Giê-su. 

 

Tôi có nghe một câu chuyện rất được khích lệ do một vị Giáo sĩ Việt Nam đang phục vụ tại Á Châu kể lại rằng có một anh sau khi đi lao động ở Malaysia và trở về làm tài xế lái Taxi tại Miền Bắc.  Anh đã mở nhạc thánh cho hành khách nghe và tìm mọi cơ hội để chia sẻ tình yêu cứu chuộc của Chúa cho hành khách.  Anh cũng có để sách báo Cơ đốc và Truyền Ðạo Ðơn ở trong xe nhằm giới thiệu cho thân hữu về Chúa.  Ðây chính là bí quyết để phát triển Hội thánh của Chúa cách nhanh chóng và rèn luyện tâm tình sống đạo và giảng đạo của người tín hữu thật lòng làm theo Ðại Mạng Lệnh của Ngài.  Cầu xin Chúa thúc giục nhiều quý con dân Chúa đang làm chủ các “Tiệm Nail”, “Tiệm Uốn Tóc”, “Nhà Hàng”, “Tiệm Giặt Ủi”, “Công Ty Xe Bus”, “Nhà In”, “Phòng Mạch Bác Sĩ”, “Phòng Nha Sĩ”, “Tiệm Tạp Hóa”, “Công ty Taxi”, “Xe Ðò”, “Công Ty Du Lịch”, “Nhà Thuốc Tây”, và nhiều Cơ sở Thương mãi khác tận dụng các công cụ TV, DVD, Báo Chí, Internet, Truyền Ðạo đơn, và sách báo Cơ đốc để giới thiệu về Phúc Âm Cứu Rỗi cho đồng bào.  Công tác gieo hạt giống Tin Lành này rất là quan trọng và cấp bách nhưng đầy phước hạnh.  Bởi vì “hễ ai gieo ít thì gặt ít, ai gieo nhiều thì gặt nhiều” (2 Côrinhtô 9:6).  Hãy đồng một tâm tình như Sứ Ðồ Phao-lô mà nói rằng “Thật vậy, tôi không hỗ thẹn về Phúc Âm vì đây là quyền năng của Ðức Chúa Trời để cứu mọi người tin…” (Rôma 1:16).  Amen!

 

 

3.     Ơn Giảng Luận Lời Chúa

(The Gift od Preaching)

 

                     

  Nhà Sinh Vật Học về tuổi thọ Steven Austad tại Ðại Học University of Texas Health Science Center nói rằng “Nếu bạn muốn sống khỏe mạnh ở tuổi 80, bạn cần ăn uống đúng cách và tập thể dục, v.v…  Nếu bạn muốn sống thọ đến 100 tuổi, bạn cần có cha mẹ mạnh khỏe”.  “If you want to live to be a healthy 80 year old, you have to eat right and exercise, et cetera.  If you want to live to be a healthy 100 year old, you have to have the right parents”.  Tuổi tác trường thọ của con người tùy thuộc vào cái gene.  Cái gene thì chịu ảnh hưởng bởi môi trường sống, lối sống, và cách ăn uống của từng người.  Cũng một lẽ ấy, thức ăn thuộc linh mà con dân Chúa nhận lãnh từ thì giờ tĩnh nguyện mỗi ngày và bài giảng luận của Mục sư vào mỗi Chúa Nhật là yếu tố kiến tạo sự nuôi dưỡng tâm linh và làm tăng trưởng kiến thức lời Chúa nhằm giúp họ sống đạo cách lành mạnh và chia sẻ Tin Lành cứu rỗi cách dạn dĩ.  Phần đông các Mục sư phải giảng trung bình 100 đến 150 bài giảng trong một năm.  Học giả Phục Hưng Richard Owen Roberts, trong quyển sách Phục Hưng do ông viết, chia sẻ ba loại giảng luận.  Loại giảng luận thứ nhất là Giảng từ miệng đến tai (Mouth to ear preaching).  Lời giảng luận này chỉ truyền đạt từ miệng đến lỗ tai của người nghe và dừng tại đó.  Loại giảng luận thứ hai là giảng từ đầu đến đầu (Head to head preaching).  Người giảng truyền đạt đến tư tưởng của người nghe và đã làm ảnh hưởng đến tâm trí của họ nhưng không đi xa hơn nữa.  Loại giảng luận thứ ba là giảng từ lòng đến lòng (Heart to heart preaching).  Nhà truyền đạo kinh nghiệm và sống với lời Chúa cách tự nhiên, và khi giảng lời Chúa sứ điệp đó đụng chạm đến lòng của người nghe cách quyền năng đầy hiệu quả.  Từ khi Sứ đồ Phê-rơ đã được đầy đẫy Thánh Linh, được xức dầu bằng quyền năng (“power – dynamis”) Thánh Linh, ba ngàn người đã tin nhận Chúa qua một bài giảng đầy sức thuyết phục (Công vụ 2:41).  Truyền giảng sứ điệp Tin Lành chính là trọng tâm của Ngày Lễ Ngủ Tuần.  Dựa theo sử liệu về thành quả của công tác truyền giảng phục hưng của Giáo Hội Báp-tít Nam Phương vào các năm 1950, 1951, 1955, và 1964 đã cho biết số người nhận lễ Báp-tem gia tăng[1].  Vào Thập niên 1980 và 1990 Giáo Hội Báp Tít Nam Phương đã tổ chức nhiều Buổi Truyền Giảng Phục Hưng (Revival Meeting) vào năm 1986, 1990 và 1995 và kết quả đã phản ảnh qua con số gia tăng những tín đồ được nhận Lễ Báp-tem.  Trong Luận Án Tiến sĩ viết về “Sự Ảnh Hưởng Của Phục Hưng”  do Giáo sư Tiến Sĩ Roy Fish thuộc Southwestern Baptist Theological Seminary biên soạn, Tiến sĩ Roy Fish đã tính ra có khoảng 188,000 tín hữu đã được làm phép Báp-tem và gia nhập vào các Hội thánh Báp-tít từ năm 1857 đến năm 1859 qua cơn phấn hưng tâm linh.  Năm 1858, Giáo hội Báp-tít Nam Phương đã mở mang thêm 650 Hội thánh, 150 Giáo sĩ đã được gởi đi ra cánh đồng truyền giáo, nhiều tín hữu đã được Chúa Thánh Linh thăm viếng và dâng hiến đời sống mình vào Chủng Viện Thần Học, và cơn thức tĩnh tâm linh đã lan rộng đến các Ðại Học Baptist như Brown University, Richmond College, và Baylor University.[2]

 

Người chăn bầy hay Mục sư được kêu gọi để thi hành các thánh vụ như sau đây: 1) Nuôi bầy chiên (Feed the flock); 2) Thương yêu bầy chiên (Love the flock); 3) Lãnh đạo bầy chiên (Lead the flock); 4) Giữ gìn bầy chiên (Keep the flock) trong sự hiệp một và giúp bầy chiên giải quyết các xung đột; 5) Chăm sóc bầy chiên (Tend the flock) như tinh thần giúp chiên “an nghĩ nơi đồng cỏ xanh tươi… đến bên bờ suối yên tịnh” (Thánh thi 23:2; Giê-rê-mi 23:1-4; Êxêchiên 34:1-6); 6) Bảo vệ bầy chiên (Protect the flock) khỏi cạm bẫy của tà thuyết và muôn sói.  Sứ đồ Phê-rơ đã có lần khẩn thiết nhắn nhủ cho người hầu việc Chúa “Hãy làm kẻ chăn bầy của Ðức Chúa Trời, là bầy ở dưới sự chăm sóc của anh em, hầu việc như một người giám mục, không phải vì bắt buộc, nhưng vì vui lòng, như Ðức Chúa Trời muốn anh em làm, không làm vì tham tiền nhưng hăng hái phục vụ;  không làm chủ trên những kẻ được giao cho nhưng làm gương cho cả bầy.  Và khi Ðấng Chủ Chăn hiện đến, anh em sẽ nhận mão hoa vinh quang không phai tàn” (1 Phê-rơ 5:2-4).   

 

Mục sư Tiến sĩ Thom Rainer, nguyên là Giám Học cho Ðại Chủng Viện Southern Baptist Theological Seminary và hiện là Giám Ðốc cho LifeWay Christian Resources Cơ Quan Văn Phẩm của Giáo Hội Báp-tít Nam Phương tại Hoa Kỳ và Tác giả của 21 quyển sách, đã kinh nghiệm hầu việc Chúa qua bốn Hội thánh tại Indiana, Kentucky, Florida, và Alabama.  Mục sư Thom Rainer nhìn nhận rằng thánh vụ chăn bầy là một sự kêu gọi đầy thách thức và khó khăn. Nếu Chúa kêu gọi ông bắt đầu lại chức vụ chăn bầy, ông sẽ thực hiện những điều sau đây:

 

1)      Tôi sẽ dành thêm thì giờ để cầu nguyện (I would spend more time in prayer).

2)      Tôi sẽ dành thêm thì giờ để nghiên cứu lời Chúa (I would spend more time in the Word).

3)      Tôi sẽ dành thêm thì giờ để yêu thương các người chỉ trích hơn là lo lắng về các sự chỉ trích (I would spend more time loving my critics than worrying about their criticisms).

4)      Tôi sẽ dành thêm thì giờ với con dân Chúa trong Hội thánh (I would spend more time with the peole of the Church).

5)      Tôi sẽ dành thêm thì giờ với những thân hữu chưa tin Chúa (I would spend more time with the unchurch).

 

Mục sư Thom Rainer tâm tình rằng ông đã hối tiếc với lỗi lầm và thiếu sót của chức vụ trong quá

khứ, nhưng ông phải sống với thực tại và trang bị cho tương lai hiệu quả hơn.  Ông tha thiết kêu gọi con dân Chúa hãy cầu nguyện cho Mục sư, hãy khích lệ Mục sư, và thương yêu Mục sư bởi vì chức vụ chân bầy của Mục sư chỉ có thể thành công do sức mạnh và năng quyền của Chúa qua lời cầu thay và trân quí của mỗi tín hữu.

 

Một thách thức lớn cho người chăn bầy là phải chuẩn bị các món ăn thuộc linh tươi mới, ngon miệng, thơm thoa, và thâm sâu nhằm có thể chạm vào những tấm lòng cần tan vỡ trước tiêu chuẩn Thánh Kinh, biến đổi những thói hư tật xấu thành những bông trái Thánh Linh ngọt ngào thu hút nhiều linh hồn về Nhà Cha yêu dấu, cũng như “đạt đến sự hợp nhất trong đức tin và trong sự hiểu biết Con của Ðức Chúa Trời, đến mức trưởng thành, đến tầm thước vóc dáng đầy trọn của Chúa Cứu Thế” (Êphêsô 4:13).  Amen!  Halêlugia!

            Mục Sư Ngô Việt Tân

 

 



[1] Bill Cathey, A New Day In Church Revivals (Nashville: Broadman, 1984), 13.

[2] Beardsley, Religious Progress, 48.


 

Các bài khác :: Dòng dõi của người hầu việc Chúa
:: Mục vụ bếp ăn từ thiện Phúc Ân
:: Việc làm có ích
:: Mục vụ âm nhạc của Ban Hát Cơ Đốc
:: Hội Thánh Baptist Công Bình

Liên hệ

Hội Thánh Baptist Công Bình 380/383 Phạm văn Hai P.5 Q. TB. TPHCM (ĐT: 38454061) Giờ nhóm CN: Sáng 8 giờ Chiều 6 giờ 30. Quản nhiệm Hội Thánh MS. Nguyễn Quốc Thịnh. ĐT: 38454061. Chủ nhiệm Mục vụ: MS. Nguyễn Quốc Dũng. ĐTDĐ 0938615997



Câu gốc hôm nay

“Vì vậy, Ngài phán rằng sẽ diệt chúng nó đi; Nhưng Môi-se, là kẻ Ngài chọn, đứng nơi triệt hạ trước mặt Ngài, đặng can gián cơn giận Ngài, e Ngài hủy diệt họ chăng.”. Thi Thiên 106: 23.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


» gửi email cho chúng tôi » xem thêm các hình ảnh khác » gửi câu hỏi cho chúng tôi