Ánh Sáng Của Thánh Linh
Đức Thánh Linh soi sáng cho những người yêu mến Ngài bằng một loại ánh sáng đặc biệt người thường không thể nhìn thấy. Ánh sáng này như lửa chiếu sáng trong bụi gai cháy không hề tàn mà Môi Se phải tẻ bước lại xem. Ánh sáng xuất hiện trên đầu các môn đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần đầu tiên như ngọn lửa nhưng không hề làm cháy tóc. Ánh sáng chiếu vào Sau Lơ trên đường đi Đa Mách khiến ông té xuống khỏi lưng ngựa. Thánh Linh là Đấng chiếu sáng tâm linh của mọi người trong chỗ u mê khiến họ sáng láng mà ngày nay có một hội chúng đông đúc trên toàn thế giới mọi người được gọi tên giống nhau là Cơ Đốc nhân.
Trên thế giới chưa có loại lửa nào không cháy lan, cũng không có ánh sáng nào như lửa mà không bao giờ tàn. Tuy nhiên chỉ người nào chứng kiến mới nhận biết sự thật. Dưới đời vua Tự Đức phái bộ của Phan Thanh Giản đi Pháp về có thuật lại cho triều đình nhà Nguyễn biết nước Pháp có một loại đèn rất sáng mà lại treo từ trên trần nhà xuống. Cả triều đình không ai tin vì thời kỳ này nước Việt Nam đang sử dụng đèn dầu, chưa có đèn điện. Theo lý luận của các vị quan đèn dầu phải có chân để sau đó đốt lên mới chiếu sáng, nhưng đèn mà úp ngược lại treo từ trần nhà xuống thì dầu chảy ra hết làm sao nó cháy được. Việc giải thích loại đèn chùm treo trên trần nhà là đèn điện, ánh sáng phát ra không phải nhờ dầu mà nhờ điện không ai tin. Ánh sáng của Thánh Linh tỏa sáng không phải nhờ trí thông minh của con người nhưng là quyền năng của Đức Chúa Trời ban cho cách đặc trưng không lẫn lộn với ý nghĩ của loài người.
Trong dân gian có những trẻ con được gọi là “Thiên Phú” vì ở tuổi các em làm được nhiều việc phi thường không ai có thể bắt chước. Nhiều người lầm tưởng ánh sáng của Thánh Linh như là một ân ban “Thiên Phú” theo nghĩa này. Trái lại ánh sáng Thánh Linh dành cho người trưởng thành lại là người có nhiều từng trãi trong cuộc đời. Ánh Sáng Thánh Linh là loại ánh sáng bắt phục, trong trường hợp của Môi Se ánh lửa từ bụi gai cháy không hề tàn khiến cho ông lão tám mươi tuổi không khỏi thắc mắc về hiện tượng này, và ánh sáng của ngọn lửa ấy còn lôi cuốn ông phải đến xem, và tiếp theo là tiếng phán của Đức Giê Hô Va phát ra từ giữa ngọn lửa đó truyền lệnh cho Môi Se. Với hiện tượng lửa xuất hiện trên đầu các môn đồ ngồi trên phòng cao trong ngày lễ Ngũ tuần đầu tiên cũng vậy, lửa này không làm cháy phỏng, cũng không tỏa nhiệt năng bốc khói, nhưng bởi ngọn lửa trên đầu này mà các môn đồ nói các thứ tiếng mà Đức Thánh Linh cho họ nói về Chúa Giê Su người vừa bị đóng đinh trên thập tự giá. Khi họ nói các thứ tiếng nước ngoài, điều này các môn đồ cũng ngạc nhiên vì chính họ chưa bao giờ học qua các loại ngôn ngữ nước ngoài. Điều kỳ diệu hơn là những người ngoại quốc tại thành Jerusalem rất ngạc nhiên rồi họ trở thành những người tin nhận Chúa Giê Su và chấp nhận Ngài là Đấng Cứu Thế cho cuộc đời của họ. Ánh sáng từ trời chiếu vào một vị quan uy quyền đang ngồi trên ngựa, chung quanh có lính hầu theo hộ tống theo cách tổ chức của quan binh La Mã, người đó là Sau Lơ đang chuẩn bị vào thành Đa Mách xứ Syri để bắt các môn đồ của Chúa Giê Su giải về Jerusalem. Nhưng ánh sáng từ trời đột nhiên chiếu một luồng sáng rất lạ lùng lại có sức mạnh khiến ông rớt xuống đất và trong ánh sáng Sau Lơ nghe tiếng gọi đích danh ông “Hỡi Sau Lơ, Sau Lơ, sao ngươi bắt bớ Ta.” (Công vụ 9: 4).
Ánh sáng Thánh Linh từ xưa đến nay đã biến đổi bản tánh nhiều người, từ người xấu trở thành người tốt, và kể cả người tốt còn biết cách sống cao cả hơn. Một trong những tấm gương này phải kể đến Phi-lê-môn và Ô-nê-sim được ghi trong Kinh Thánh Tân Ước. Người đầy tớ của Phi-lê-môn là Ô-nê-sim được Phao Lô viết thư bảo lãnh và gởi trở về nhà của chủ là Phi-lê-môn. Trước đó Ô-nê-sim là một nô lệ trong nhà của Phi-lê-môn phạm tội ăn cắp đồ vật trong nhà của chủ bỏ trốn. Trong một lần truyền giáo Phao Lô đã giảng đạo cho Ô-nê-sim, người nô lệ này đã ăn năn tin nhận Chúa, sau một thời gian theo phục vụ cho Phao Lô người nô lệ xấu xa năm xưa giờ trở thành một người đầy tớ rất tốt, tuy nhiên Phao Lô muốn cho Phi-lê-môn biết được điều này cách rõ ràng về quyền năng của sự biến đổi ở trong Chúa- đời sống con người từ xấu trở thành tốt. Phao Lô gởi Ô-nê-sim trở lại nhà của Phi-lê-môn với những lời khuyên cho ông chủ của Ô-nê-sim, một con cái Chúa cách cư xử của người cao thượng: “Vậy nếu anh coi tôi là bạn hữu anh, thì hãy nhận lấy người như chính tôi vậy. Nhược bằng người có làm hại anh hoặc mắc nợ anh điều chi, thì hãy cứ kể cho tôi.” (Phi-lê-môn câu 17 và 18). Trước câu này Phao Lô đã nói với Phi-lê-môn: “Xin anh đừng coi người như tôi mọi nữa, nhưng coi hơn tôi mọi, coi như anh em yêu dấu, nhứt là yêu dấu cho tôi, huống chi cho anh, cả về phần xác, cả về phần trong Chúa nữa! (Phi-lê-môn câu 16).
Ánh sáng Thánh Linh dầu xuất hiện bên ngoài hay trong nội tâm đều có sức mạnh phi thường làm thay đổi con người hoàn toàn. Những người được sự thay đổi bới ánh sáng Thánh Linh đều là những sứ giả rao truyền đạo của Chúa cách toàn hảo.
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: CHỨNG NHÂN CHO NIỀM TIN
:: NỢ XẤU VÀ NỢ TỐT
:: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG CHRIST
:: NIỀM TIN KHÔNG QUYẾT ĐỊNH BẰNG LỜI NÓI
:: HI VỌNG NƠI CHÚA
|
|