Vững Vàng Trong Xác Thịt
VỮNG VÀNG TRONG XÁC THỊT
KT: I Phi-e-rơ 4: 1-6 CG: I Phi-e-rơ 4: 2
Không gì khó khăn hơn sống giữa vòng những người thế gian mà phải vâng giữ theo lời Chúa dạy. Một là phải nghe nhiều lời chê bai, chỉ trích, chê cười. Hai là bị cô lập không ai muốn giao du với những người “Sống dưới đất mà tưởng mình ở trên trời”. Nhiều con cái Chúa chịu những áp lực của thế giới đen tối, không sao chịu đựng nỗi cảnh sống thiếu bạn bè nên đã chọn “Cửa rộng và đường khoảng khoát” để đi, có người vui vẻ chấp nhận cuộc sống “Dĩ hòa vi quý” nên “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Sao có thể thắng hơn xác thịt yếu đuối! Nếu đã thắng hơn chắc chỉ có những thánh nhân!! “Đấng Christ phải chịu khổ trong xác thịt…Ai đã chịu khổ trong xác thịt người đó đã dứt bỏ được tội lỗi”. (I Phi-e-rơ 4: 1) Vững vàng niềm tin nơi Đấng Christ sẽ vững vàng trong cuộc chiến với xác thịt.
Lời Chúa không nói xác thịt theo cách chung, nhưng nói đến những thói hư tật xấu làm băng hoại xã hội, làm ảnh hưởng đến những người có lương tâm thanh sạch. Thư tín I Phi-e-rơ 4: 3-4 mô tả những bản chất xấu của xác thịt như sau: “Ăn ở tà tịch (Mê muội, dị đoan, bói toán…) Tư dục (Tham lam, dối trá, kiêu căng…) Say rượu (Những thức uống làm cho say) chơi bời (Bài bạc, Game Net, những trò nhãm nhí), ăn uống quá độ (Ăn uống liên miên, thức ăn thừa mứa). Thờ hình tượng đáng gớm ghiếc (Thờ ma lạy quỷ, đốt vàng mã, cúng cô hồn, lập hình tượng cho Satan, lễ Hallowen.), dâm dật, (Mua bán xác thịt, đồng tính luyến ái, trai gái buông thả,..) đạo đức suy đồi. Những điều xấu và những con người sống theo các thói xấu này thường hay dụ dỗ. Ai không vững vàng tin theo lời Chúa dạy dỗ người ấy khó tránh bị cám dỗ, lôi cuốn theo các thói xấu trong đời.
Làm theo ý muốn Đức Chúa Trời là chịu khổ hay chịu khổ để làm theo ý muốn Đức Chúa Trời? Theo quan điểm loài người “Chịu khổ để làm theo ý muốn Đức Chúa Trời” dựa trên lời phán của Chúa Giê Su: “Nếu ai muốn theo Ta thì phải liều mình, vác thập giá mình mà theo Ta.” Ma-thi-ơ 16: 24. Theo Chúa phải chịu khổ mới xứng đáng, từ đó nảy sinh những con người “Thoát tục” sống khắc khổ, không hòa đồng với thế gian, khất thực và chỉ ăn một bữa đạm bạc trong ngày, muỗng nĩa chỉ dùng đồ gỗ. Những người theo trường phái khổ hạnh của thánh Francis xứ Assisi người sáng tác bài “Kinh Hòa Bình” từ bỏ hoàn toàn cuộc sống sung sướng nơi trần gian để dâng hiến hoàn toàn đời sống chăm lo cho những người nghèo khổ, bệnh tật. Dòng tu Phanxico trở nên nổi tiếng vào thế kỷ XII. Trước năm 1975 tôi đã đọc say mê tác phẩm “Xin chọn người yêu là Thượng Đế” của nhà văn Hi Lạp Nikos Kazantzakis viết về cuộc đời thánh Francis người sáng lập ra dòng này. Một câu chuyện hết sức cao cả của con người có đời sống vác thập tự giá mình mà theo Chúa. Rất tiếc, luật lệ theo ý muốn Chúa sau đó con người đặt ra. Công việc của dòng quá nổi tiếng nên “Dòng Phanxico” phải đặt ra luật lệ nghiêm khắc bảo vệ tính chuyên chính khổ hạnh của dòng này. Chỉ những người “Chịu khổ làm theo ý muốn Đức Chúa Trời” và theo “Luật của dòng Phanxico” mới được vào nước Trời. Điều này chẳng khác gì đóng cửa nước Thiên Đàng.
Những nhà Cải cách (Reformer) chủ trương “Làm theo ý muốn Chúa phải chịu khổ”. Con cái Chúa được quyền tự do sống theo hoàn cảnh, hay địa vị mình có trong thế gian, không phải ép lòng làm theo ý muốn hoặc sự hướng dẫn của bất cứ con người xác thịt nào. Trong mỗi việc mình làm đều cầu hỏi ý Chúa và có trách nhiệm hoàn toàn những việc làm của mình. Vì thế có hai trường hợp xảy ra: Thứ nhất nếu công việc theo ý Chúa có kết quả như ý, phước hạnh rõ rệt. Không ai tự lên mình kiêu ngạo. Con cái Chúa tránh được bệnh kiêu căng, Trường hợp thứ hai: Chúa không cho thành công mà cho thất bại, con cái Chúa biết đây là thử thách. Sự khiêm nhường là việc nhận ra trách nhiệm về đức tin yếu đuối của mình và giao phó mọi sự trong tay Chúa. Đức tin bao giờ cũng đem lại ơn phước bội phần. Làm theo ý Chúa mà phải chịu khổ là phần thưởng và phước hạnh cho những người yêu mến Chúa thật sự. Những con cái Chúa trước khi đi ăn uống với bạn bè thế gian trong các buổi tiệc vui nếu cầu xin Chúa đi cùng với mình thì khi “Nhập tiệc” từ chối uống bia rượu dầu cho bạn bè có sỉ nhục “Nam vô tửu như cờ vô phong”. Vui vẻ và bình an ra về vì đã vững vàng xác thịt của mình thuộc về Chúa không theo thói xấu của đời. Trong thực tế có những con cái Chúa không được như vậy, không dám chịu khổ trên bàn tiệc, trên đường về nhiều người đã làm khổ cho gia đình, hi sinh vì tai nạn giao thông, rượu bia cướp lấy sinh mạng những kẻ yếu đuối như vậy. Những người trẻ tuổi ham thích chơi bời, không chịu đựng khó nhọc trong việc học đòi theo gương Kinh Thánh, về sau nhiều người thật tội nghiệp, khổ sở lầm than, nợ nần chồng chất và gia cảnh không được yên vui.
“Mọi việc làm của xác thịt đều phải khai trình lại với Đấng xét đoán kẻ sống cũng như người đã chết.” (I Phi-e-rơ 4: 5) Điều này không ngoa đâu, mọi người không thể đổ thừa cho hoàn cảnh khi mỗi ngày có nhiều người ra vào trại giam, tại sao có nhiều bệnh viện, phòng khám mà cũng không chứa hết số bệnh nhân, tại sao đường phố lúc nào cũng kẹt xe? Có một Đấng xét đoán những tội nhân không cho kẻ ác tự do sống ngoài xã hội. Đấng xét đoán không bảo vệ sức khỏe cho những kẻ ăn nhậu, phá hoại thân thể và Ngài không mở rộng ý thức tự giác cho những người coi thường luật lệ. Đối với những kẻ đã chết thì hỏa ngục không giống với trại tù trên trần gian, nên không hi vọng có ngày ra khỏi. Đối với những kẻ chịu khổ mà chết vì tránh xa mưu kế kẻ ác, không đứng chung đường kẻ hung dữ, không ngồi chung với những kẻ phỉ báng Đức Chúa Trời. Nơi ở của con cái Chúa là hạnh phúc bình an trọn vẹn, đời đời không còn đau khổ bất công. A-men!
Tất Niên Âm Lịch.
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: CHỨNG NHÂN CHO NIỀM TIN
:: NỢ XẤU VÀ NỢ TỐT
:: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG CHRIST
:: NIỀM TIN KHÔNG QUYẾT ĐỊNH BẰNG LỜI NÓI
:: HI VỌNG NƠI CHÚA
|
|