NGƯỜI MANG VINH QUANG CHO NHÀ CHÚA
NGƯỜI MANG VINH QUANG CHO NHÀ CHÚA
II Sử ký 17: 1-12; 19: 1-11. Câu gốc II Sử ký 19: 2
Trong lịch sử dân tộc Israel, sau đời vua Salomon trị vì chia ra làm hai nước – Miền Bắc vẫn lấy tên nước là Israel có mười chi phái, miền Nam lấy tên nước là Giu Đa có hai chi phái. Miền Bắc lấy thành Samari làm thủ phủ, còn miền Nam lấy thành Jerusalem làm trung tâm thờ phượng Đức Chúa Trời. Các vua phương Bắc thờ hình tượng theo các phong tục của những dân tộc chung quanh, chủ yếu là thần Ba-anh (Nam thần) và thần A-sê-ra (Nữ thần). Trong khi các vua phương Nam trung thành với đường lối thờ phượng Đức Giê Hô Va của vua Đa-vít truyền lại. Bởi vì vậy vương quốc Giu Đa (Miền Nam) được Đức Giê Hô Va ban cho cường thịnh, xứ sở trù phú và đất nước thái bình thịnh vượng.
Vua Giô-sa-phát là một trong các vị vua tốt của nước Giu Đa, làm điều thiện bằng cách tìm cầu Đức Chúa Trời của tổ phụ, giữ theo các điều răn của Ngài. Ông theo đường lối của Đức Giê Hô Va bằng đức tin mạnh mẽ, phá dỡ các nơi cao mà dân chúng thờ các thần tượng Ba-anh và A-sê-ra. (II Sử ký 17: 3-6). Việc làm này làm cho mọi người dân trong xứ Giu Đa kính sợ Đức Chúa Trời, vì họ thấy vua không sợ hãi các tà thần, cũng không dung túng cho những thầy tế lễ của các tà thần thực hiện những lễ nghi dị giáo, xúi giục mọi người theo đường tà bỏ đường lối chánh. Việc làm vinh hiển danh Chúa do nơi việc vua Giô-sa-phát hầu việc Chúa không sợ hãi những tà thần cho dầu những thầy tế lễ của các tà thần đã tạo dựng được những nơi cao và có nhiều thế lực trong dân chúng.
Cách thứ hai vua Giô-sa-phát mang vinh quang về cho nhà Chúa là ông sai các tiên tri và những người Lê vi dạy luật, cùng với các thầy tế lễ đi khắp xứ Giu Đa, vào đến từng xóm làng, từng thành phố để dạy dỗ dân chúng luật lệ, luật pháp của Đức Giê Hô Va. (II Sử ký 17: 7-9). Dân Giu Đa là một dân tộc thông minh khôn sáng nhưng nếu thiếu đạo đức sẽ trở thành một dân độc ác, hung dữ hơn ai hết. Vua Giô-sa-phát hiểu điều này nhiều lắm vì tổ phụ ông đã từng tuyên bố: “Cha ta đã khiến cho ách các ngươi nặng nề; ta sẽ làm ách các ngươi càng nặng hơn nữa. Cha ta sửa phạt các ngươi bằng roi da, ta sẽ sửa phạt các ngươi bằng roi bò cạp.” (I Các Vua 12: 14). Lời nói đó đã làm cho Đức Chúa Trời rời bỏ khỏi vua này, vinh quang của Chúa không còn nữa khiến cho vua Rô-bô-am mất phân nửa đất nước. Đến đời vua Giô-sa-phát ông đã nhìn thấy điều ấy nên vua hết lòng kính sợ Chúa mà dạy dỗ cho nhân dân của ông có một nền đạo đức vững chắc qua luật pháp của Đức Chúa Trời. Người nhận được vinh quang của Chúa khi họ hiểu biết đều vâng giữ luật pháp bằng tấm lòng, “Tâm phục khẩu phục.”. Bất cứ vua chúa nào trong lịch sử Israel làm cho dân chúng vô đạo đều bị Chúa trừng phạt giống như bạo chúa Rô-bô-am.
Cách thứ ba vua Giô-sa-phát mang vinh quang về cho nhà Chúa: “Người lập quan xét trong cả nước, tại các thành bền vững của Giu Đa, thành nào cũng có. Rồi người căn dặn các quan xét: Hãy cẩn thận việc các ngươi làm; vì chẳng phải vì loài người mà các ngươi xét đoán đâu, bèn là vì Đức Giê Hô Va; Ngài sẽ ở cùng các ngươi trong việc xét đoán.” (II Sử ký 19: 5-6). Cách phân xử của con cái Chúa khác biệt rất nhiều với người thế gian vì trong Chúa tất cả những sự xét đoán đều phải vì cớ danh Chúa và được Chúa ở cùng trong lời nói, trong ý tưởng và trong hành động. Tất cả sự xét đoán nào có sự thiên vị, có bất công, có dùng quyền thế, có mưu chước đều không phải do Chúa mà ra. Cho nên sự đoán xét được vua Giô-sa-phát căn dặn rất quan trọng cho những ai yêu mến Chúa từ xưa đến nay.
Tuy nhiên điều cuối cùng mà một người mang vinh quang về cho nhà Chúa không được làm là “Giúp đỡ kẻ hung ác và yêu mến kẻ ghen ghét Đức Giê Hô Va.” Câu Kinh Thánh II Sử ký 19: 2 có ghi chép đầy đủ như sau: “Giê Hu, con trai của Ha-na-ni, đấng tiên kiến, đi ra đón vua Giô-sa-phát, mà nói: Có phải Vua giúp đỡ cho kẻ hung ác và yêu mến người ghen ghét Đức Giê Hô Va phải không? Bởi cớ đó cơn giận của Đức Giê Hô Va giáng xuống cho vua.” Trong tinh thần của một vị vua cứng rắn trong việc vâng giữ luật pháp có một điểm yếu là quá yêu thương chìu chuộng con cái. Vua Giô-sa-phát đã làm hỏng cuộc đời và sự nghiệp của ông vì thương con mà kết sui gia cùng với gia đình A-háp và Giê-sa-bên, vua của nước Israel. Đây không phải là mối liên kết để tạo sức mạnh gia tăng sức mạnh cho nước Giu Đa vì ngay lúc mới lên ngôi vua Giô-sa-phát đã có thái độ chống nghịch lại với vua Israel ở miền Bắc, II Sử ký 17: 1 “Giô-sa-phát con trai Asa cai trị thế cho người; người làm cho nước mình nên mạnh để chống nghịch cùng nước Israel.”. Đến đoạn sau II Sử ký 18: 1 “Giô-sa-phát đã được nhiều của cải và vinh hiển, bèn kết sui gia cùng A-háp.” Câu Kinh Thánh này cho chúng ta biết việc kết sui gia với A-háp do nơi chuyện tình cảm của con trai ông và con gái A-háp, mà hậu quả rất kinh khiếp, về sau chính đứa con trai này khi lên ngôi đã giết hết thảy các em ruột, người đi theo đường của cha vợ là A-háp và làm điều ác trước mặt Đức Giê Hô Va (II Sử ký 21: 4, 6).
Bài học của vua Giô-sa-phát dạy cho tất cả những ai mang vinh quang về cho nhà Chúa (Làm vinh hiển danh Chúa) cần phải cầu nguyện cho việc kết giao của con cái, tình yêu thương của cha mẹ nên đặt đúng chỗ làm cho danh Chúa vinh hiển.
Mùa thu 2019
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: CHỨNG NHÂN CHO NIỀM TIN
:: NỢ XẤU VÀ NỢ TỐT
:: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG CHRIST
:: NIỀM TIN KHÔNG QUYẾT ĐỊNH BẰNG LỜI NÓI
:: HI VỌNG NƠI CHÚA
|
|