Yêu

YÊU

 

Tôi nhớ chuyến đi Jerusalem năm 2007, bên bờ biển Ga-li-lê nơi Phi-e-rơ gặp Chúa sống lại được Chúa giao cho sứ mạng “Hãy chăn chiên của Chúa”, vị giáo sư Hê-bơ-rơ hướng dẫn đã hỏi “Điểm khác nhau trong ba lần Chúa hỏi ngươi yêu ta chăng là gì? Mọi người đã trả lời khác nhau chữ “Yêu”.

Từ ngữ “Yêu” trong ngôn ngữ Hi Lạp có ba chữ khác nhau. Thứ nhất “Eros” nói về tình yêu lãng mạn, yêu có ham muốn nhục dục như giữa nam và nữ. Thứ hai “Phileo” nói về tình yêu bạn hữu, tình yêu trong gia đình, những mối quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Thứ ba “Agape” nói về tình yêu cao thượng, bất chấp mọi khó khăn, ban cho không cần điều kiện, tình yêu tuyệt đối. Khi nói về tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho loài người Kinh Thánh dùng chữ “Agape”. Trong buổi sáng trên bờ hồ Ga-li-lê sau khi Chúa Giê Su sống lại, hai lần đầu Chúa đã hỏi Phi-e-rơ “Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi yêu Ta hơn những kẻ nầy chăng?” Giăng 21:15 & 16  Chúa đều dùng từ “Agape”, nhưng khi Phi-e-rơ trả lời “Lạy Chúa, phải, Chúa biết rằng tôi yêu Chúa” ông đều trả lời bằng từ “Phileo”. Đến lần thứ ba Chúa hỏi “Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi yêu Ta chăng?” Giăng 21:17. Chúa dùng động từ “Phileo” để hỏi và Phi-e-rơ trả lời y như vậy.

Hai lần Chúa dùng “Agape” để hỏi Phi-e-rơ có yêu Chúa không? Ngài muốn nói đến tình yêu tuyệt đối. Chúa muốn nhấn mạnh với Phi-e-rơ về tình yêu vượt qua mọi khó khăn gian khổ để trở thành một người phục vụ như Chúa đã trãi qua ông có thể làm được không? Có lẽ tình yêu này quá cao, Phi-e-rơ thấy mình không xứng đáng, khả năng hạn chế. Không thể thực hiện được như điều Chúa muốn nên Phi-e-rơ trả lời yêu Chúa theo cách của loài người đối với nhau, ông dùng chữ tình yêu “Phileo”. Bây giờ Phi-e-rơ đã trở nên người chín chắn hơn, biết suy nghĩ khi trả lời với Chúa. Phi-e-rơ nhận ra ông không thể sử dụng cảm xúc mạnh mẽ để trả lời như đêm tiệc chia tay giữa Chúa và các môn đồ, Phi-e-rơ trả lời cách khiêm tốn “Chúa biết rằng tôi… ” yêu với mức độ của một người có lòng quan tâm chăm sóc người khác nhưng cũng mong được người khác quan tâm chăm sóc lại. Tình yêu mà Phi-e-rơ đáp lại với Chúa là tình yêu giữa con người với con người - “Có qua có lại mới toại lòng nhau”- Bản chất Phi-e-rơ chân thật nên ông trả lời với Chúa cách thành thật, tình yêu mà ông dành cho Chúa rất cần được Chúa yêu ông lại. Phi-e-rơ nhận biết nếu không có tình yêu của Chúa nâng đỡ ông sẽ thối chí ngã lòng - Chúa không đưa mắt nhìn ông lúc gà gáy thì ông không thể nhớ lại lời Chúa cảnh tỉnh, Chúa không cho ông thấy Ngài đã sống lại ông sẽ không thể nào trở nên tay đánh lưới người.    

Lần thứ ba Chúa Giê Su hỏi Phi-e-rơ có yêu Chúa không bằng từ ngữ “Phileo”. Điều này cho thấy Chúa cảm thông với con người của Phi-e-rơ. Đức Chúa Trời yêu con người bằng tình yêu Agape, ngược lại Ngài không bắt con người phải yêu Ngài bằng tình yêu như vậy. Tình yêu Chúa dành cho Phi-e-rơ từ “Agape” trở thành “Phileo” biểu hiện tình yêu có quan tâm, chiều chuộng, săn sóc, tôn trọng ý kiến lẫn nhau. Nhờ sự thăm hỏi cách nhẹ nhàng, sự yêu thương hiểu biết của Chúa khiến cho Phi-e-rơ thấm thía được ý nghĩa lời dạy khuyên của Chúa “Hãy chăn chiên Ta”. Tình yêu “Phileo” là tình yêu thực sự Chúa chấp nhận cho Phi-e-rơ trong cách ông trả lời với Chúa. Tình yêu “Phileo” là tình yêu thích hợp với mọi người mọi tầng lớp xã hội. Mọi người đều cần tình yêu, được yêu thương và được quan tâm chăm sóc. Chúa Giê Su xây dựng Hội Thánh của Ngài trên nền tảng của tình yêu thương, Hội Thánh Chúa yêu thương mọi người và cần được mọi người yêu thương tôn trọng. Chúa Giê Su đã cảm thông với Phi-e-rơ, cũng là sự cảm thông với loài người mà Ngài dùng tình yêu “Phileo” để thay thế cho tình yêu tuyệt đối “Agape”. Với lòng rộng lượng Chúa Giê Su không bắt buộc Phi-e-rơ phải yêu Ngài như tình yêu Ngài dành cho ông. Cả ba lần Phi-e-rơ đều dùng chữ “Phileo” để nói đến tình yêu ông dành cho Chúa.

Ba lần Chúa hỏi Phi-e-rơ có yêu Chúa không? Nhắc lại Chúa tha thứ cho ông ba lần chối Chúa bỏ thầy. Ba lần Chúa hỏi Phi-e-rơ có yêu Ngài không? Chúa trao cho ông một sứ mạng thực hiện tình yêu bằng cách ba lần xác định rõ ràng. Ba lần Phi-e-rơ dùng từ “Phileo” cho thấy ông nói với Chúa bằng tình yêu của sự quan tâm, chăm sóc, yêu mến bầy chiên Chúa giao phó. Tình yêu trong Hội Thánh của Chúa không phải tình yêu “Agape”- Tình yêu này là tình yêu tuyệt đối chỉ có trong Đức Chúa Trời và con yêu dấu của Ngài- Vì thế Chúa Giê Su muốn Phi-e-rơ xây dựng một mối quan hệ yêu thương trong Hội Thánh bằng tình yêu “Phileo”, với tình yêu này giữa chúng ta với Chúa có mối quan hệ qua lại, giữa các tín hữu với nhau sẽ có mối quan hệ thông công. Lắng nghe nhau với cả tấm lòng như người bạn thân. Tôn trọng những sở thích khác biệt của nhau. Dành thì giờ sáng, trưa, chiều, tối cho Chúa. Con cái Chúa cùng nhau cầu nguyện, nói chuyện với Chúa như người thân nhất của chúng ta. “Lạy Chúa, Chúa biết hết mọi việc; Chúa biết rằng tôi yêu Chúa!”

                                                                                    Mục sư Nguyễn Quốc Dũng

                


 

Các bài khác :: TIN VÀO LỜI CHÚA
:: VỮNG LÒNG BỀN CHÍ TRÔNG ĐỢI NƠI CHÚA
:: ĐỨC TIN TỪ CẠN ĐẾN SÂU
:: TRÔNG CẬY SỰ CÔNG BÌNH CỦA CHÚA TRỜI
:: TRANG BỊ TÂM LINH

Liên hệ

Hội Thánh Baptist Công Bình 380/383 Phạm văn Hai P.5 Q. TB. TPHCM (ĐT: 38454061) Giờ nhóm CN: Sáng 8 giờ Chiều 6 giờ 30. Quản nhiệm Hội Thánh MS. Nguyễn Quốc Thịnh. ĐT: 38454061. Chủ nhiệm Mục vụ: MS. Nguyễn Quốc Dũng. ĐTDĐ 0938615997



Câu gốc hôm nay

“Vì vậy, Ngài phán rằng sẽ diệt chúng nó đi; Nhưng Môi-se, là kẻ Ngài chọn, đứng nơi triệt hạ trước mặt Ngài, đặng can gián cơn giận Ngài, e Ngài hủy diệt họ chăng.”. Thi Thiên 106: 23.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


» gửi email cho chúng tôi » xem thêm các hình ảnh khác » gửi câu hỏi cho chúng tôi