Bảy lời sau cùng của Chúa Giê Su trên thập tự

1.Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết mình làm điều gì.” (Lu-ca 23: 34).

      Chúa Giê Su lúc bị đóng đnh trên thập giá kêu lên bảy tiếng. Tiếng đầu tiên là lời cầu xin tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh. Đây là lời của tấm lòng tràn đầy tình  yêu thương. Chúa chịu chết để xóa bỏ mọi tội lỗi của loài người, đời sống của Chúa đã hi sinh cho tình thương nên lời cuối đầu tiên của Ngài cũng bày tỏ tình yêu thương đối với kẻ thù nghịch Ngài. Tội lỗi của chúng ta có lúc không biết đã đóng đinh Chúa nhưng tình yêu thương của Ngài vẫn tha thứ cho chúng ta là những kẻ không biết mình làm điều gì. Chúa cầu xin sự tha thứ cho chúng ta là lời cầu nguyện tha thiết cho mọi người biết tha thứ cho nhau (Lu-ca 6: 37). Không có gì là không thể tha thứ được với ước muốn của một tâm hồn trong giờ phút cuối. Ước muốn của Chúa Giê Su mong cho ai nấy đều được tha thứ tội, mọi người chung quanh được sống trong hạnh phúc yêu thương xứng đáng với sự tha thứ của Đức Chúa Trời.

 

2. Hôm nay, ngươi  sẽ được ở với Ta trên Thiên Đàng (Lu-ca 23: 43).

        Chúa Giê Su là con đường dẫn loài người vào Thiên đàng, Chúa chịu chết để loài người được sống ở Thiên đàng, ai là người thật lòng ăn năn hối cải về tội lỗi của mình người ấy sẽ sống trong thiên đàng với Chúa. Chúa mong muốn cứu rỗi loài người, Ngài tìm kiếm từng con chiên lạc mất. Hể ai nói lên tiếng nói nhận biết Ngài từ chính tấm lòng mình, để Ngài tha thứ tất cả tội lỗi cho dầu người ấy đang chịu đựng những đau khổ cùng cực. 

        Dù đang phải khốn khổ, nhưng người ăn trộm vẫn biết hướng niềm tin vào sự cứu rỗi qua nhận thức sự yêu thương của Đấng chịu khốn khổ bên cạnh. Qua tiếng kêu đầu tiên trên cây thập tự là lời cầu xin “Lạy cha, xin tha tội cho họ...” đã giúp cho tên trộm nhận ra tấm lòng nhân ái của Cứu Chúa Giê Su con của Đức Chúa Trời là Đấng có quyền tha tội cho ông. Điều quan trọng không phải là những lỗi lầm, nhưng sự nhận thức tội lỗi và thái độ ăn năn những lỗi lầm mới là đáng kể. Mọi sự đều tùy thuộc vào tấm lòng. Giữa những đau thương khốn khổ trong trần thế người có tấm lòng chân thật và khiêm tốn tin cậy Chúa vẫn tìm kiếm được nước Thiên đàng để sống hạnh phúc đời đời.

 

3. “Hỡi Bà kia, đó là con của Bà”.(Giăng 19: 26).

        Chúa Giê Su nói lời thứ ba để chỉ về tình mẫu tử của loài người và tình yêu thương nhân loại khi vâng theo lời Chúa. Lời trối này Chúa gửi gắm Bà Ma-ri lại cho Giăng chăm sóc. Tình mẫu tử trong lòng loài người thế nào Chúa đều biết rõ, Chúa biết sự đau lòng của một người mẹ mất con, Chúa không muốn Bà Ma-ri sẽ sống những năm tháng còn lại trong nỗi cô đơn và sầu khổ khi chứng kiến cảnh này. Chúa sắm sẳn một môn đồ thân yêu là Giăng đứng ra gánh vác thay nhiệm vụ của người con chăm sóc thay cho Ngài. Chúa gánh vác trọng trách yêu thương cao cả hơn là chăm sóc cho cả nhân loại. Tình mẫu tử cao quí nhất Chúa Giê Su trao lại cho chúng ta ngày nay. Những ai yêu mến Chúa hãy sẳn sàng đón nhận những con người không hề có mối quan hệ máu huyết làm mẹ, làm anh em, chị em trong tấm lòng yêu mến Chúa tràn ngập suốt cuộc đời của mình.

       

4. “Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! sao Ngài lìa bỏ tôi?” (Mathiơ 27:46).

            Tiếng kêu thứ tư nói lên thần tánh của Chúa Giê Su: “Ê-li! Ê-li! Lam-ma sa-bach-ta-ni?”. Tiếng kêu than này trong ngôn ngữ Hê-bơ-rơ diễn tả một sự mầu nhiệm hết sức uy nghiêm và khủng khiếp khi đứng trước tình trạng “Đức Chúa Trời từ bỏ”. Đức Chúa Giê Su trong giờ phút này dường như đã không còn là Ngôi Hai Đức Chúa Trời nữa khi Ngài bị một màn tối đen của tội lỗi loài người phủ kín thân Ngài. Trong sự kinh hoàng như một con trẻ bị bỏ rơi cho thấy Chúa Giê Su đang ở mức độ tột cùng của mọi nỗi cô đơn-Loài người từ bỏ, những người được Chúa ban cho thức ăn, những người được cứu chữa bệnh tật, những môn đồ thân yêu, ngay cả Cha thiên thượng cũng từ bỏ. Chúa Giê Su trên cây thập tự vào giờ đó như mặt trời vẫn soi sáng ở không trung, nhưng áng mây đen dầy đặc của tội lỗi nhân loại đã che mất sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Dù những người thân yêu như Ma-ri, sứ đồ Giăng còn đứng bên cạnh, và tình yêu trong tâm hồn của Ngài vẫn ban phát ra nhưng tội lỗi mà Ngài gánh trên thân Ngài chẳng thể nào so sánh với sự thiếu vắng tình yêu của Cha thiên thượng. Điều đó chứng minh cho nhân loại biết rằng khi con người đánh mất Chúa trên trời là niềm ủi an duy nhất của đời mình thì mọi sinh hoạt trong đời sống sẽ trở thành kinh khủng hơn bao giờ hết. Khi một người bị Đức Chúa Trời lìa bỏ đời sống sẽ trở thành hư vô, mọi sự trong cuộc đời đều trở nên phi lý và vô nghĩa như muối mất mặn bỏ bên đường bị người ta giày đạp dưới chân.   

 5. “Ta khát” (Giăng 19:28)

      Tiếng kêu thứ năm của Chúa Giê Su trên thập tự giá nói lên nhân tính của Ngài. Thần linh không biết đói khát, nhưng con người biết đói biết khát. Chúa Giê Su có nhân tính hoàn toàn khi Ngài kêu lên: “Ta khát”. Thân thể Chúa treo trên thập tự giá chẳng những gánh thay tội lỗi của loài người nhưng Ngài còn chịu đựng tất cả những nỗi đau đớn trong thân thể con người. Máu huyết của Ngài đã chảy ra từ các vết đinh đóng trên chân tay của Ngài gây nên tình trạng khát nước. Bản năng sinh tồn của con người nỗi lên cực điểm, thay vì la hét, chửi mắng, Chúa vẫn còn hi vọng nơi lòng từ tâm của con người nên Ngài kêu gọi sự giúp đỡ giữa con người với nhau. Chúa Giê Su thể hiện con người chân thật, không giả dối được bộc lộ trong giờ phút sau cùng. Lúc sắp chết trong sự khao khát Ngài bật lên tiếng kêu nhưng không phải kêu than, hèn yếu mà là kêu gọi lòng nhân từ. Tiếng kêu thứ năm này Chúa kêu gọi tính nhân đạo trong con người. Làm người phải có lương tâm nên biết giúp đỡ người khác trong lúc hoạn nạn. Mặc dầu Chúa biết rằng những kẻ tàn bạo đang hành hình một tội nhân thì không thể kêu gọi lòng nhân đạo của họ. Đối với những kẻ tàn ác hung dữ tội nhân càng khốn khổ chừng nào họ càng vui thích chừng nấy, đúng như vậy trong giờ phút đó sau khi nghe tiếng Chúa kêu “Ta khát” những lính canh đã lấy giấm đưa cho Ngài uống, một hình thức giỡn cợt trên nỗi thống khổ của người khác. Lu-ca 23:36 chép “Quân lính cũng giỡn cợt Ngài, lại gần đưa giấm cho Ngài uống.”

 

      Ta khát còn là lời nói sau cùng Chúa chuyển đến nhân loại thông điệp đáng ghi nhớ “Con người sẽ chết khi mất lòng nhân từ.” Chúa chết vì khát, nhưng khát vì nước không đáng so sánh về sự khao khát mà Chúa mong mõi con người nên từ bỏ hận thù và tha thứ cho nhau. Chúa đã tạo dựng nên con người với bản chất nhân từ tự nhiên, bản chất này giúp cho người biết yêu thương, tha thứ bao dung lẫn nhau. Nó được nâng lên hàng đầu trong đạo lý con người và người ta đặt cho nó là “Đức tính nhân đạo”. Nhờ nghĩa lý “nhân đạo” con người có thể tha thứ, giúp đỡ cho kẻ thù trong lúc họ đang gặp hoạn nạn, không đến đỗi căm thù mà từ chối ban cho một ân huệ cuối cùng. Chúa đã thấy sự hủy diệt tận cùng của thế giới này sẽ xảy ra vì con người không còn lòng nhân ái, không còn tính nhân đạo đối với Ngài. Những tên lính canh sẽ không ban Chúa một ân huệ nhỏ nhoi dầu chỉ là một chén nước, họ không biết lời Chúa Giê Su đã dạy: “Còn ai nhơn danh Ta mà cho các ngươi một chén nước, vì các ngươi thuộc về Đấng Christ, quả thật ta nói cùng các ngươi, người ấy sẽ không mất phần thưởng mình đâu.” (Mác 9:41)    

 

6. “Mọi việc đã được trọn” Giăng 19:30     

      Tiếng nói về chương trình cứu chuộc nhân loại đã hoàn tất. Những sứ điệp sau cùng Chúa gửi đến cho nhân loại để bày tỏ chính Ngài vừa mang thần tánh, vừa mang nhân tánh trọn vẹn. Với tiếng nói này Chúa Giê Su công bố một thông điệp vô tiền khoáng hậu, “Sự chết của Chúa  giải thoát tội lỗi cho nhân loại.” Lý do để mọi người tin Chúa sẽ được tha tội vì sự chết của Chúa Giê Su là điều mầu nhiệm thiêng liêng mà Chúa Giê Su đã tuyên bố với các môn đồ trong bửa ăn cuối cùng: “…Chén này là giao ước mới trong huyết ta, vì các ngươi mà đổ ra…”  Sự chết của Chúa đã thiết lập nên một giao ước của sự sống, hể ai nhờ huyết Chúa sẽ được tha tội và sẽ nhận được sự sống đời đời. “Ai tin con thì được sự sống đời đời…” Chính vì vậy mà Chúa kêu lên “Mọi việc đã hoàn tất.”

 

7. “Hỡi Cha tôi giao linh hồn lại trong tay Cha” (Lu-ca 23:46)

      Tiếng kêu cuối cùng là tiếng nói của sự sống đời đời, thân xác này có chết đi, linh hồn vẫn được Đức Chúa Trời gìn giữ. Cứu cánh của cuộc sống trên trần gian là linh hồn được ở nơi vĩnh cữu, “Nếu một người có được cả thế giới trong tay mà mất linh hồn thì có ích gì, người ấy có thể lấy gì để đổi linh hồn mình lại được.” (Ma-thi-ơ 16:26) Linh hồn loài người do Đức Chúa Trời hà hơi sống của Ngài vào thân thể bằng bụi đất. Hơi thở ra khỏi thân xác, loài người không còn sự sống nữa. Con người mất sự sống không còn làm chủ được thân thể, tinh thần hay tình cảm. Linh hồn sẽ được giao lại cho Đức Chúa Trời là Đấng đã tạo ra và sẽ đặt chỗ ở khác cho con người thay vì nơi trần gian ô trọc. Linh hồn được giao cho Đức Chúa Trời sẽ ở nơi sự sống đời đời, linh hồn không giao cho Đức Chúa Trời sẽ đi vào chỗ có lửa hủy diệt, nơi ấy linh hồn sẽ phải chịu đựng sự đau khổ kinh khiếp cả ngày lẫn đêm, không bao giờ dứt đến nỗi những sự đau đớn được mô tả là cảnh khóc lóc, nghiến răn.

 

      Chúa Giê Su giao linh hồn lại cho Cha có nghĩa là Ngài bước vào sự sống đời đời. Bởi linh hồn đó Chúa Giê Su đi vào nơi ở của những linh hồn bị tù vì tội phản nghịch trước khi Chúa đến trần gian để giảng cho các linh hồn này biết lẽ thật về sự sống đời đời hạnh phúc là thuộc về Chúa. (I Phi-e-rơ 3:18-20) Linh hồn là có thật, chỗ ở dành cho linh hồn chắc chắn phải có. Sự sống vĩnh cữu dành cho linh hồn thuộc về Chúa và linh hồn bội nghịch sẽ ở nơi bị hình phạt. Quyền xét xử thuộc về Chúa từ trời đến trần gian, Ngài đã mang lại cho con người niềm tin và hi vọng. Bạn có quyền tin hoặc không tin.   

                                                                                               

                                                                                        Mùa thương khó & Phục sinh 2013

                                                                                               Mục sư Nguyễn Quốc Dũng                 

 

 

Các bài khác :: TIN VÀO LỜI CHÚA
:: VỮNG LÒNG BỀN CHÍ TRÔNG ĐỢI NƠI CHÚA
:: ĐỨC TIN TỪ CẠN ĐẾN SÂU
:: TRÔNG CẬY SỰ CÔNG BÌNH CỦA CHÚA TRỜI
:: TRANG BỊ TÂM LINH

Liên hệ

Hội Thánh Baptist Công Bình 380/383 Phạm văn Hai P.5 Q. TB. TPHCM (ĐT: 38454061) Giờ nhóm CN: Sáng 8 giờ Chiều 6 giờ 30. Quản nhiệm Hội Thánh MS. Nguyễn Quốc Thịnh. ĐT: 38454061. Chủ nhiệm Mục vụ: MS. Nguyễn Quốc Dũng. ĐTDĐ 0938615997



Câu gốc hôm nay

“Vì vậy, Ngài phán rằng sẽ diệt chúng nó đi; Nhưng Môi-se, là kẻ Ngài chọn, đứng nơi triệt hạ trước mặt Ngài, đặng can gián cơn giận Ngài, e Ngài hủy diệt họ chăng.”. Thi Thiên 106: 23.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


» gửi email cho chúng tôi » xem thêm các hình ảnh khác » gửi câu hỏi cho chúng tôi